Theo như văn kiện trình Đại hội Cổ đông thường niên 2024, Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) đưa ra kế hoạch kinh doanh cho niên độ 2023-2024 gồm doanh thu 34.000-36.000 tỷ đồng, so với thực hiện niên độ trước tăng 7,5-14%. Lợi nhuận sau thuế là 400-500 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 30 tỷ cùng kỳ.

Hiện tại, Tập đoàn Hoa Sen có 4 mảng kinh doanh chính bao gồm phân phối vật liệu xây dựng (Hoa Sen Home), sản xuất kinh doanh nhựa (Nhựa Hoa Sen), sản xuất kinh doanh tôn thép (7 công ty con sở hữu 100% vốn, 1 nhà máy trực thuộc) và lĩnh vực khác (bất động sản, cảng).

Và trong giai đoạn 2022-2023, tập đoàn đã tiến hành tái cấu trúc mảng nhựa, bán lẻ. Hiện nay, tập đoàn cho biết Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen sau khi nhận chuyển giao mảng sản xuất kinh doanh nhựa đã đi vào hoạt động một cách hiệu quả và đã cho thấy được tính chủ động cao trong công tác quản trị - điều hành. Và trong tương lai, Nhựa Hoa Sen sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) và niêm yết ở trên sàn chứng khoán.

Ghi nhận, Tập đoàn Hoa Sen sẽ tiến hành tách mảng ống thép thành Công ty Cổ phần Ống thép Hoa Sen. (Ảnh minh họa)

Cũng từ đó, tập đoàn nhận thấy được việc tái cấu trúc, chuyên môn hóa đối với mảng ống thép là hết sức cần thiết. Chính vì thế, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ được xem xét chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Ống thép Hoa Sen, tiếp nhận toàn bộ hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ống thép. Và sau khi công ty này đi vào hoạt động ổn định, có lợi nhuận thì Hội đồng quản trị sẽ xây dựng phương án phát hành cổ phiếu ra đại chúng, niêm yết. Thời gian tái cấu trúc và chuyên môn hóa từ 1-5 năm.

Cuối cùng, có một vấn đề quan trọng ở trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm nay chính là bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029. Danh sách ứng viên bao gồm 6 người đều là người cũ bầu lại, trong đó có ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT và ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực do nhóm cổ đông lớn đề cử, còn các thành viên còn lại do HĐQT đề cử.

Trong quý đầu niên độ mới, lợi nhuận đã phục hồi

Theo như báo cáo của lãnh đạo Hoa Sen, niên độ 2022-2023 (1/10/2022-30/9/2023) cho thấy, thị trường thép đối mặt với những diễn biến phức tạp, nhu cầu thép ở hầu hết quốc gia và khu vực trên thế giới giảm mạnh bởi hoạt động xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng giảm, lạm phát và chi phí năng lượng tăng, xung đột chính trị. Ngoài ra, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép với tốc độ giảm giá nhanh đã khiến cho giá thép toàn cầu giảm.

Ở trong nước, thị trường bất động sản đã gặp khó, hoạt động xây dựng đình trệ đã khiến cho nhu cầu thép giảm, doanh nghiệp ở trong ngành phải liên tục điều chỉnh giảm giá để có thể cạnh tranh.

Hoa Sen muốn tách mảng ống thép để IPO sau mảng nhựa và bán lẻ. (Nguồn ảnh: Nhà đầu tư)

Chính vì thế, tập đoàn báo cáo doanh thu giảm 36% xuống còn 31.650 tỷ đồng; lãi sau thuế 30 tỷ đồng, giảm 88% và đã không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Với kết quả này thì Hội đồng quản trị đề xuất chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% cho niên độ 2022-2023, cao hơn mức chi trả 3% của niên độ trước.

Và điểm sáng trong năm qua đó chính là doanh nghiệp sạch nợ vay dài hạn, nợ vay ngắn hạn giảm mạnh từ mức 4.070 tỷ đồng xuống 2.936 tỷ đồng. Tổng nợ vay ghi nhận giảm 1.250 tỷ đồng.

Song song với đó, trong khó khăn thì doanh nghiệp đã tận dụng được các hiệp định thương mại tự do để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm công ty đã được xuất qua hơn 87 quốc gia, vùng lãnh thổ. Và tập đoàn cũng đã hoàn thành kế hoạch kiểm kê khí nhà kính ở 3 nhà máy, truy vết carbon trên 20 dòng sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đối với mảng bán lẻ, Hoa Sen đã mở được 114 cửa hàng Hoa Sen Home ở trên toàn quốc và sẽ tiếp tục mở rộng thêm.

Khi bước sang niên độ 2023-2024, tình hình kinh doanh của Hoa Sen đã có phục hồi một cách đáng kể. Doanh thu quý đầu niên độ đạt mức 9.073 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 14% và đây là mức cao nhất trong 6 quý gần đây; Lợi nhuận ghi nhận 103 tỷ đồng, so với mức lỗ 680 tỷ cùng kỳ đã có sự cải thiện.

Tập đoàn Hoa Sen sở hữu hệ thống sản xuất 10 nhà máy lớn, hệ thống tổng kho đặt ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. (Nguồn ảnh: Nhịp sống thị trường)

Tập đoàn Hoa Sen tiền thân là Công ty Cổ phần Hoa Sen với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, 22 nhân viên, 3 chi nhánh phân phối - bán lẻ trực thuộc. Sau thời gian hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Hoa Sen đã trở thành doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn thép số 1 ở Việt Nam và xuất khẩu tôn thép hàng đầu khu vực.

Ở thị trường nội địa, Tập đoàn Hoa Sen sở hữu hệ thống sản xuất 10 nhà máy lớn, hệ thống tổng kho đặt ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, gần cảng biển lớn có lợi thế tốt về logistics. Các nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen đều được đầu tư máy móc thiết bị hiện đại với tổng công suất thiết kế hơn 2,5 triệu tấn/năm giúp cho Hoa Sen trở thành công ty có nhiều nhà máy với công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hơn thế, Tập đoàn Hoa Sen còn sở hữu cho mình hệ thống phân phối độc quyền, đặc biệt nhất so với các doanh nghiệp trong ngành với hơn 500 chi nhánh - cửa hàng trực thuộc trải dài trên toàn quốc đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Ở thị trường xuất khẩu, sản phẩm thương hiệu Hoa Sen đã xuất khẩu đến hơn 87 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới./.