ISSN-2815-5823

Hồi phục cuối năm, ngành xây dựng vẫn chưa thoát khỏi cơn bĩ cực

(KDPT) - Từ quý III/2023, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng bắt đầu có sự khởi sắc, phản ánh xu hướng phục hồi đã manh nha được hình thành. Xu hướng này tiếp tục được củng cố trong quý IV/2023. Tuy vậy, sự phục hồi vẫn quá yếu ớt, khiến kết quả kinh doanh cả năm 2023 của các doanh nghiệp xây dựng chưa tạo ra bất cứ thay đổi mang tính căn bản nào.
Novaland đã làm được gì sau một năm tái cấu trúc?

LTS: 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng trưởng 5,05%, tiêu dùng yếu ớt, đầu tư tư nhân suy giảm, thị trường bất động sản khủng hoảng, thị trường vốn chưa được khơi thông. Ngoại trừ một số ít ngành nghề duy trì được tăng trưởng, phần đông doanh nghiệp phải đối diện với các thách thức, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

Nhìn lại năm 2023, soi chiếu vào bức tranh kinh doanh và chất lượng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết, là một cách để hiểu về sự vận động của nền kinh tế trong thời gian vừa qua, để từ đó đưa ra các dự báo về triển vọng trong năm mới 2024 với những kỳ vọng và đột phá mới.

Trên tinh thần nghiên cứu, khảo sát và trao đổi thông tin đa chiều giữa các đơn vị tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động phát triển kinh doanh, Tạp chí Kinh doanh và Phát triển thực hiện tuyến bài chuyên sâu phân tích, nhận định: “Nhìn lại một năm của doanh nghiệp niêm yết”.

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Hồi sinh

Mùa báo cáo quý IV/2023 đã khép lại. Lướt qua bảng kết quả kinh doanh của 20 doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam (đang niêm yết trên HoSE, HNX, UPCoM và tự công bố thông tin), có thể nhận ra những mảng sáng đang ngày càng lớn hơn trên bức tranh chung.

Cụ thể, quý này, có 11/20 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Vinaconex, Xây dựng số 5, Sông Đà 11, Cotana, Licogi 18, Tập đoàn Xây dựng SCG, Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần SCI, Công ty Cổ phần SCI E&C.

doanh nghiệp xây dựng
Hồi phục cuối năm, ngành xây dựng vẫn chưa thoát khỏi cơn bĩ cực.

Trong số này, có những doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng bằng lần, như: Vinaconex (tăng 2,1 lần), Tập đoàn Xây dựng SCG (tăng 2,7 lần), Công ty Cổ phần SCI (tăng 2,1 lần).

Về lợi nhuận, có 12/20 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Coteccons, Hòa Bình, Hưng Thịnh Incons, Tracodi, Vinaconex, Tổng công ty Xây dựng Số 1, Xây dựng số 5, Tập đoàn Xây dựng SCG, Tổng công ty Thăng Long, Licogi 18, Cotana, Sông Đà 11.

Đáng chú ý nhất trong số này là Hòa Bình, khi có quý đầu tiên báo lãi sau 4 quý liên tiếp thua lỗ. Ngoài ra, Coteccons cũng gây ấn tượng với mức tăng lợi nhuận 3,6 lần, lớn nhất 12 quý trở lại đây.

Một số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng bằng lần khác là: Xây dựng số 5 (tăng 2,6 lần), Cotana (tăng 2 lần).

Cả năm chưa hết khó

Có thể thấy, kết quả quý IV khá tương đồng với quý III, phản ánh một thực tế là ngành xây dựng đã có những bước phục hồi nhất định sau giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn còn yếu ớt. Do đó, chung cục 2023, các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng âm về doanh thu và/hoặc lợi nhuận.

Theo đó, về doanh thu, năm 2023 có tới 15 doanh nghiệp báo doanh thu suy giảm so với năm trước, gồm: Cotana, Công ty Cổ phần SCI E&C, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Đua Fat, Ricons, Tracodi, Tổng công ty Xây dựng Số 1, Hòa Bình, Fecon, Hưng Thịnh Incons, Phục Hưng Holdings, Công ty Cổ phần SCI, Sông Đà 11, Tổng công ty Thăng Long, Tập đoàn Xây dựng SCG.

Trong đó, suy giảm mạnh nhất là: Cotana (giảm 68%), Đua Fat (giảm 53%), Tập đoàn Xây dựng SCG (giảm 54%), Hưng Thịnh Incons (giảm 51%), Hòa Bình (giảm 46%).

Điều đáng nói là có tới 6 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu ở mức thấp nhất trong nhiều năm, như: Cotana (3 năm), Tracodi (4 năm), Tổng công ty Xây dựng số 1 (7 năm), Tập đoàn Xây dựng SCG (7 năm), Đua Fat (8 năm) và Hòa Bình (8 năm).

Về lợi nhuận, có 10 báo lợi nhuận sau thuế suy giảm so với năm trước, gồm: Tracodi, Công ty Cổ phần SCI E&C, Ricons, Vinaconex, Tổng công ty Sông Đà, Hưng Thịnh Incons, Phục Hưng Holdings, Tập đoàn Xây dựng SCG, Cotana, Tổng công ty Xây dựng số 1.

Trong số này, những doanh nghiệp suy giảm mạnh nhất là Cotana, Vinaconex, Tập đoàn Xây dựng SCG và Tổng công ty Sông Đà (cùng giảm hơn 60%).

Đáng chú ý, có 4 doanh nghiệp ghi nhận mức lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm, gồm: Tracodi (3 năm), Tập đoàn Xây dựng SCG (4 năm), Phục Hưng Holdings (9 năm) và Vinaconex (11 năm).

Ngoài các đơn vị nêu trên, ngành xây dựng năm 2023 cũng ghi nhận những doanh nghiệp thua lỗ như: Fecon (lỗ 43 tỷ đồng), Đua Fat (lỗ 117 tỷ đồng) - đều là năm lỗ đầu tiên kể từ khi công bố thông tin. Với Hòa Bình, doanh nghiệp đã có năm lỗ thứ 2 liên tiếp với mức lỗ 782 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên tới 2.878 tỷ đồng.

Với kết quả suy yếu như vậy, không ngạc nhiên khi kết năm 2023, chỉ có 2 doanh nghiệp hoàn thành được kế hoạch năm, gồm: Ricons và Xây dựng số 5. Còn lại, các doanh nghiệp đều không thể hoàn thành được kế hoạch kinh doanh.

Có thể nói, ngành xây dựng đã trải qua một năm 2023 đầy bĩ cực. Không chỉ kinh doanh khó khăn, các vấn đề về nợ đọng, lãi vay, thiếu hụt tiền vẫn đang ở mức nặng nề, khiến công cuộc phục hưng của các doanh nghiệp đối diện muôn vàn thử thách.

Năm 2024, thị trường bất động sản được nhìn nhận là sẽ đi lên một cách rõ nét hơn. Điều này mang lại cho các doanh nghiệp xây dựng những thuận lợi mới trong việc tìm kiếm đơn hàng cũng như giải quyết vấn đề thanh toán. Nếu suôn sẻ, bằng giờ năm sau, bảng tổng kết kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng sẽ long lanh hơn, bằng không, trong kịch bản xấu, thị trường sẽ phải chứng kiến những doanh nghiệp đứng trên bờ vực./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine