ISSN-2815-5823

IMF đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam

(KDPT) - Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Giám sát kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam.
IMF: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm IMF duy trì dự báo tăng trưởng GDP 4,7% cho năm 2023 của Việt Nam

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc (IMF) tế đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua và triển vọng sáng sủa của kinh tế Việt Nam trong trung hạn, với những điểm sáng như triển vọng phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Giám sát kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá: Những gì chúng tôi thấy là việc Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh chóng suốt từ năm 2022 đến nay, để đối phó trước tình hình bất ổn của thị trường tài chính tiền tệ thế giới và tác động đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước có những điều chỉnh phù hợp về chính sách tiền tệ, lãi suất, để đảm bảo hệ thống tài chính, tiền tệ giữ được sự ổn định và đến nay có thể nói là đã thành công.

Ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Giám sát kinh tế vĩ mô, tài chính và tiền tệ Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế. (Ảnh: TTXVN)

Nhưng chúng tôi thấy không còn nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ, vì lãi suất đã được giảm và hiện ở mức thấp, tính thanh khoản của hệ thống tài chính đã được cải thiện, để ổn định thị trường.

Và điều mà chúng tôi khuyến nghị là nên tập trung vào chính sách tài khóa và bây giờ là thời điểm chính phủ phải tiếp tục hành động, sau khi đã thực hiện việc giảm thuế, thúc đẩy đầu tư công, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội để có thể hỗ trợ tốt hơn những người khó khăn.

Về chính sách tài chính, kinh nghiệm thế giới từ vụ đổ vỡ ngân hàng ở Mỹ cho thấy, nó có tác động dây chuyền rất nhanh, vì vậy, Việt Nam cần tăng cường năng lực để có thể giám sát được hệ thống ngân hàng, quản lý được nó và phòng tránh được rủi ro, khủng hoảng, trước hết là việc ban hành các quy định để phòng ngừa rủi ro. Việt Nam đang xem xét lại các quy định về ngân hàng, các tổ chức tín dụng và tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thực hiện điều này nhằm tạo ra khung khổ pháp lý, để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có thể hành động nhanh hơn nhằm đối phó hữu hiệu với những rủi ro.

Việt Nam có lợi thế lớn so với nhiều nước khác, điều mà tôi đã thấy trong quá trình làm việc, đó là có nhiều không gian tài khóa, có mức nợ thấp. Việt Nam đã rất thận trọng trong những năm qua trong khi nhiều nước trên thế giới có mức nợ cao và gặp nhiều khó khăn về vấn đề này. Khi có mức nợ cao, rất khó để chính phủ có thể giúp nền kinh tế. Chính sách tài khóa là một công cụ rất hữu hiệu mà Việt Nam có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng trong khi nhiều nước khác thì không có được. Đây là một công cụ rất hữu hiệu mà Việt Nam có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ hai là Việt Nam có sự ổn định về chính trị, về vĩ mô, điều này rất quan trọng với các nhà đầu tư, rất nhiều nhà đầu tư đã nói với chúng tôi họ thích Việt Nam vì có sự ổn định này, và với họ, nó rất quan trọng.

Còn về trung hạn và dài hạn, Việt Nam đang được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới, vì có một thị trường nội địa rất lớn. Nếu anh đầu tư vào nền kinh tế, năng suất sẽ tăng lên, kinh tế phát triển, và đó là một thị trường lớn cho khu vực. Điều này vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi hoạch định kinh doanh hôm nay.

Một lợi thế khác là thị trường bất động sản. Như tôi đã đề cập, nó đang có vấn đề hiện nay, nhưng tương lai, khi những vấn đề hiện nay được giải quyết, nó sẽ là động lực cho tăng trưởng của Việt Nam, vì số người cần mua nhà ở Việt Nam vẫn rất lớn. Vì vậy, nếu thực hiện tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng từ 6-7%, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế khác trên thế giới, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng của Việt Nam./.

BẢO TRUNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024