TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trí tuệ nhân tạo làm thay đổi tất cả, tác động ngoài sức ảnh hưởng
Tại buổi tọa đàm “Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt” sáng ngày 26/6, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Đào tạo, Tư vấn và phát triển kinh tế (IDE), Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Chúng ta đang sống trong một thời đại chuyển đổi vô cùng khủng khiếp. Trước đây, Cách mạng Công nghiệp đã làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều xu hướng mới. Phản ứng của nhân loại trước những biến đổi này là sự ra đời của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít… Hệ lụy của Cách mạng Công nghiệp đã phải trả giá bằng sinh mạng của hàng trăm triệu người.
Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt
Hiện nay, chúng ta đứng trước một cuộc cách mạng mới - Cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI). Trí tuệ nhân tạo làm thay đổi tất cả mọi thứ, tác động ngoài sức ảnh hưởng. Nhiều dự đoán cho rằng đến năm 2029, sẽ xuất hiện ACI - Trí tuệ nhân tạo phổ quát. Sau ACI, chúng ta sẽ chứng kiến một thời điểm đột phá khi trí tuệ nhân tạo vượt qua trí tuệ của con người, dẫn đến sự ra đời của siêu trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo tối ưu hóa năng lượng
“Phản ứng của xã hội loài người với trí tuệ nhân tạo như thế nào? Mặc dù hiện tại chưa có câu trả lời chính xác nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng, dân tộc nào nắm bắt được trí tuệ nhân tạo sẽ làm chủ tương lai, làm chủ thế giới này.
Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc và tầm nhìn rõ ràng của các nhà lãnh đạo nước này đã đặt Trung Quốc cùng với Mỹ và các tập đoàn công nghệ hàng đầu vào vị trí những trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất thế giới”, ông Dũng phân tích.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ: “Với Việt Nam, việc làm việc với trí tuệ nhân tạo là bắt buộc. Cần có một chiến lược cụ thể để khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo. Sử dụng trí tuệ nhân tạo là việc phải làm, làm ở nhiều lĩnh vực. Cần áp dụng trí tuệ nhân tạo với chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…”
Trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, trí tuệ nhân tạo có thể tối ưu hóa và quản lý hiệu quả cả năng lượng sạch lẫn năng lượng hóa thạch, hình thành các hệ thống lưới điện thông minh. Điều này cho phép sử dụng tối đa năng lượng mặt trời và năng lượng gió khi có thể, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
“Trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng mà còn giám sát và bảo vệ môi trường. AI có khả năng dự đoán ô nhiễm với độ chính xác cao, phân tích dữ liệu môi trường để phát hiện nguy cơ tiềm ẩn mà con người khó có thể nhận ra.
Trong nông nghiệp, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo thời tiết, khí hậu, giúp tối ưu hóa sử dụng nước và phân bón, gia tăng năng suất cây trồng. AI có thể xác định chính xác loại phân bón, liều lượng và thời điểm sử dụng, đảm bảo hiệu quả tới từng milimet.
Trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những dự báo và phân tích chính xác, giúp con người quản lý tài nguyên và môi trường một cách hiệu quả hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.
Kinh tế tuần hoàn áp dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào?
Trong kinh tế tuần hoàn, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong quản lý chất thải và tái chế, từ việc thu gom, phân loại đến xử lý thông minh các loại chất thải. Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo giúp chúng ta dễ dàng tối ưu hóa toàn bộ quy trình tái chế từ thu gom đến phân loại, xử lý, giảm thiểu mức chi phí tối đa.
“Trí tuệ nhân tạo có khả năng thiết kế sản phẩm bền vững, phân tích vòng đời của sản phẩm để xác định các giai đoạn gây ra tác động đến môi trường và từ đó thiết kế quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Trí tuệ nhân tạo còn giúp phát triển các vật liệu mới thân thiện với môi trường và phân hủy sinh học, tối ưu hóa chuỗi cung ứng tuần hoàn từ nguyên liệu thô đến sản phẩm cuối cùng, đảm bảo sử dụng hiệu quả tối đa nguồn tài nguyên. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các nền tảng kinh tế chia sẻ, tối ưu hóa nhu cầu và giảm thiểu lãng phí. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo cần sự nhận thức và hợp tác từ quản lý nhà nước, ngành điện và các doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất. Ngay từ bây giờ, mọi doanh nghiệp đều phải áp dụng trí tuệ nhân tạo. Có những công cụ trí tuệ nhân tạo hoàn toàn miễn phí trên Internet, và cũng có những công cụ cần được phát triển thêm để đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
Xu thế của thế giới hiện nay là chuyển đổi xanh, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, doanh nghiệp Việt cần đi theo xu hướng, phải mua tín chỉ Carbon, theo hướng phát triển xanh, thân thiện với môi trường là điều cần thiết. Chỉ như vậy mới có thể cạnh tranh, bắt nhịp kịp với thế giới. Nếu không có chứng chỉ tuần hoàn xanh, sạch, bảo vệ môi trường sẽ khó có cơ hội tiếp cận với thị trường, đánh mất người tiêu dùng.
"Chuyển đổi xanh không chỉ là thực hiện cam kết với thế giới mà còn là vì tương lai cho nền kinh tế đất nước, cho sự phát triển của chính chúng ta. Vì vậy, một cuộc thảo luận như thế này rất có ý nghĩa. Và có ý nghĩa hơn khi đây là cơ hội để nêu lên những thực tế trong thị trường tín chỉ Carbon hiện nay, nêu lên những vướng mắc của các doanh nghiệp. Chúng ta thấy, doanh nghiệp thấy và chắc chắn các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ thấy những vấn đề và tìm ra những giải pháp khắc phục.
Đây cũng là dịp để sức mạnh truyền thông nói lên tiếng nói cho người dân, doanh nghiệp tới việc thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đó là ý nghĩa mà toạ đàm mang lại cho chúng ta ngày hôm nay.
Vấn đề áp dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ sẽ là cánh tay phải hỗ trợ đắc lực trong chuyện chuyển đổi xanh. Với trí tuệ nhân tạo, sẽ chỉ cho chúng ta đang vướng mắc chỗ nào, hỗ trợ chúng ta trong việc khai thác nguồn cơ sở dữ liệu. Áp dụng công nghệ là điều không còn mới nhưng luôn cần thiết, quan trọng hướng tới hành trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững kinh tế, thân thiện môi trường", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh./.
- Sáng nay (26/6), diễn ra Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt
- Tọa đàm Xu hướng bứt phá trong chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp Việt