Gửi gắm ký ức xưa trong bánh Trung thu truyền thống
Níu giữ hương vị xưa cũ
Nhắc tới ẩm thực Madame Nhung (bà Trương Thị Lê Nhung), người ta vẫn thường ví bà như một “phù thuỷ” với khả năng biến hoá, làm mới những món ăn được kết hợp giữa xưa và nay. Bánh Trung thu Madame Nhung cũng là cái tên rất “hot” mỗi dịp Rằm tháng Tám cận kề, khi được gửi gắm nhiều giá trị, ý nghĩa nhân văn của người đầu bếp.
Hơn 3 thập kỷ qua, Madame Nhung luôn đau đáu về việc làm sao để vừa giữ gìn được hương vị từ xa xưa của dân tộc, vừa cải tiến, nâng tầm những món ăn, thích ứng với đời sống hiện đại. Có lẽ vì vậy mà giữa muôn vàn màu bánh, vị bánh Trung thu được du nhập, bà vẫn chọn lối đi truyền thống cho các sản phẩm của mình.
Bà Nhung cho biết: “Với bánh Trung thu, tôi vẫn đặc biệt chú trọng cho hai loại nhân, đó là nhân thập cẩm và nhân đậu xanh. Bởi đó không chỉ là hương vị được lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình tôi, mà còn là ký ức, là tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt. Tôi luôn trân quý những giá trị ấy và hiểu rằng, sứ mệnh của mình là phải nâng tầm những hương vị ấy, để bánh Trung thu không chỉ đơn thuần là một thức quà của người Việt, mà còn phải trở thành đại diện cho nền ẩm thực nước nhà khi được đưa ra thế giới”.
Theo bà Nhung, điều khiến cho dòng bánh Trung thu truyền thống của mình luôn nổi bật, đến từ sự chỉn chu, tỉ mẩn và cầu kỳ trong công đoạn chế biến nhân bánh. “Miếng mỡ vẫn cắt hạt lựu, nhưng phải xử lý làm sao để khi cắn vào, ta chỉ thấy được sự hòa quyện tuyệt đối, độ béo bùi vừa phải, không gây cảm giác ngấy, bứ ở cổ. Với nhân đậu xanh, tôi chọn cách giữ lại nguyên vẹn mùi thơm, độ bở của đậu, thay vì trộn lẫn với các phụ gia khác”, nữ đầu bếp chia sẻ.
Nét hiện đại được Madame Nhung đưa vào bánh, đến từ nguyên liệu trứng muối. Thay vì để nguyên quả, người ăn sẽ chỉ cảm nhận được hương vị trong miếng bánh nhất định, bà chọn cách xay nhỏ trứng, làm sao để vị mặn, bùi, thơm ấy được trộn lẫn với những nguyên liệu cũ. Từng quả trứng cũng được Madame Nhung lựa chọn kỹ lưỡng, đạt độ già để không bị tanh, sau đó tẩm rượu và nướng trong hai lần.
Bà Nhung chia sẻ: “Tôi là người khá khó tính trong việc chọn nguyên liệu, bên cạnh việc có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, từng phần của nhân bánh phải đạt thêm các tiêu chí khác để có thể cho ra thành phẩm như ý. Đó cũng là điều tôi tự tin nhất khi đưa bánh của mình ra thị trường và chinh phục được những thực khách khó tính”.
Mỗi chiếc bánh là một sợi dây gắn kết
Không chỉ chú trọng đến chất lượng bánh, Madame Nhung cũng dành nhiều tâm huyết, chăm chút kỹ lưỡng cho vẻ ngoài mỗi hộp bánh. Nhất là khi bánh Trung thu được xem như thức quà ý nghĩa, dành tặng những người mà ta trân quý, yêu thương. Bà quan niệm, khi mở hộp bánh, cũng là lúc cánh cửa trái tim được mở ra, chính hương vị sẽ là sợi dây gắn kết giữa người với người.
Hộp bánh được Madame Nhung thiết kế với màu sắc chủ đạo là be, vàng, với nền lụa, hoa thêu vân nổi, tạo sự quyến rũ, tinh tế, nhưng vẫn giữ được nét trang nhã, lịch sự và sang trọng. Cùng với đó, bên trong mỗi hộp bánh đều được đính kèm một lá thư cảm ơn, như gửi gắm tình yêu, sự trân trọng và câu chuyện của người đầu bếp tới những khách hàng đã tin yêu sử dụng.
Bàn về cách ăn bánh Trung thu sao cho đúng và cảm vị tốt nhất, Madame Nhung chia sẻ: “Tôi thường pha thêm tách trà Thái Nguyên với độ chát vừa phải để ăn cùng bánh. Khi cắt bánh, nên cắt từ tâm điểm đến các góc thành đường chéo, để miếng bánh vừa ăn, lại không làm rơi phần nhân bên trong ra quá nhiều. Nhấp ngụm trà chát sau khi ăn miếng bánh ngọt sẽ tạo nên sự hòa quyện vô cùng dễ chịu, tạo nên cảm giác hài lòng tuyệt đối”.
Với nhiều người con Việt Nam xa xứ, mỗi dịp Tết đoàn viên, được cầm trên tay chiếc bánh Trung thu đầy đặn, vuông vắn, nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết cũng được vơi đi phần nào. Thấu hiểu điều đó, Madame Nhung đã nghiên cứu cách để làm sao bảo quản được bánh lâu nhất, phục vụ việc vận chuyển ra nước ngoài.
Bà cho biết, thay vì chỉ đóng gói thông thường, bánh Trung thu Madame Nhung được hút chân không toàn bộ. Bằng cách này, bánh nướng có thể bảo quản từ 15-20 ngày, bánh dẻo từ 2-3 ngày. Sau khoảng thời gian này, bánh có thể tiếp tục được lưu trữ trong tủ lạnh và sử dụng thêm. Giá bánh năm nay cũng không thay đổi so với năm ngoái. 690.000 đồng cho hộp bánh thường và thêm 30.000 đồng cho bánh có thêm nhân trứng muối.
“Tôi đã gửi gắm và thể hiện toàn bộ ký ức, nỗi trăn trở và khả năng của mình trong từng chiếc bánh. Và kỳ vọng rằng, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại ấy sẽ góp phần lan tỏa đến đông đảo mọi người về tinh thần, về niềm tự hào dân tộc, về tình yêu thương con người, cũng như khát khao được vươn ra thế giới, sánh vai với nhiều nền ẩm thực khác”, Madame Nhung chia sẻ./.
- Chuỗi hoạt động đón Tết Trung thu cùng Tập đoàn Mường Thanh
- Tập trung thực hiện sáng kiến Hải quan xanh, tăng cường kết nối nội khối ASEAN