ISSN-2815-5823
ÁNH DƯƠNG
Thứ bảy, 06h00 13/01/2024

Kết hợp AI với tự động hóa tạo đột phá cho các ngành nghề sản xuất, doanh nghiệp

(KDPT) - Hiện nay, với sự phát triển bùng nổ công nghệ số hóa và kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dây chuyền tự động được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất phải cải tiến công nghệ, hệ thống máy móc của mình để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất. Đó chính là cơ sở để nâng cao vị thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường khốc liệt.
(Ảnh minh họa).
Sự kết hợp AI trong lĩnh vực tự động hóa với robot là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (Ảnh minh họa).

Tự động hóa là ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất để chuyển một phần lớn hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất nhờ sức lao động của con người sang cho máy móc thiết bị. Theo khái niệm này, quá trình tự động sẽ không cần sự can thiệp quá sâu của con người, mà sẽ sử dụng các hệ thống điều khiển khác nhau giúp máy móc vận hành nhanh hơn, chuẩn xác hơn, giảm sự can thiệp của con người, thậm chí một số quy trình là hoàn toàn tự động.

Sự kết hợp AI trong lĩnh vực tự động hóa với robot là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng trong sản xuất tạo đột phá cho các doanh nghiệp, ngành nghề khác nhau.

Tự động hóa đang được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: Công nghiệp sản xuất, gia công cơ khí, dây chuyền lắp ráp tự động, ứng dụng kiểm soát chất lượng… Các hệ thống điều khiển thường dùng để vận hành quá trình sản xuất bao gồm servo, PLC, mạch điện tử, G code… Các hệ điều khiển này có thể bao gồm việc điều khiển từ đơn giản đến các thuật toán phức tạp, điều khiển những máy móc đơn giản cho đến những hệ thống công nghiệp lớn.

Cùng với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, robot kết hợp hiện nay đã trở nên thông minh hơn thế hệ robot truyền thống; đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất thông minh, hệ thống vận chuyển thông minh, internet vạn vật, dịch vụ thông minh và sức khỏe y tế.

Trong thời gian tới, robot thông minh sẽ tiếp tục được tích hợp mở rộng nhiều công nghệ tiên tiến nhất như cộng tác người-robot, truyền động tích hợp thông minh, nhận biết cảm xúc, giao diện máy tính-bộ não, mạng dữ liệu lớn, phần mềm sinh học và nền tảng đám mây...

Trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, xác định công nghệ tự động hóa là một trong những hướng ưu tiên. Các chính sách thúc đẩy lĩnh vực điều khiển, tự động hóa liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung.

Các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia đến 2030, công nghệ tự động hóa thuộc nhóm các lĩnh vực được ưu tiên nghiên cứu, là cấu phần quan trọng trong nhiều chương trình khoa học công nghệ quốc gia như chương trình công nghệ cao, phát triển sản phẩm quốc gia, đổi mới công nghệ quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng...

(Ảnh minh họa).
Việc ứng dụng công nghệ mới như AI cũng là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Riêng trong lĩnh vực AI, những năm gần đây tại Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” (ngày 22/02/2023) do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã đạt mức 51,82/100, tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam cũng được đánh giá xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia.

Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó một lĩnh vực mà tác động của chúng đặc biệt quan trọng là tự động hóa công nghiệp.

IoT đề cập đến mạng lưới các thiết bị vật lý, phương tiện và các vật thể khác được gắn cảm biến và phần mềm, cho phép chúng kết nối, thu thập và trao đổi dữ liệu.

AI liên quan đến việc phát triển các hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi trí thông minh của con người.

Sự kết hợp của IoT và AI đang thúc đẩy thế hệ tự động hóa công nghiệp tiếp theo. IoRT đang cách mạng hóa các ngành công nghiệp bằng cách cho phép bảo trì dự đoán, giám sát và điều khiển từ xa, kiểm soát chất lượng theo thời gian thực, tự động hóa các nhiệm vụ phức tạp và phát triển các hệ thống tự động.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ở giai đoạn 3 của tự động hóa, đó là ứng dụng các công nghệ số gồm: Hoạt động dựa vào dữ liệu và kết nối tốc độ cao; tự động hóa thông minh dựa vào AI; sự kết hợp của OT và IT; tự ra quyết định, tự động hóa tiến tới tự chủ hóa.

Trong 7 cấp độ của tự động hóa, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ở mức độ tự động hóa 3-4-5, tức là tự động hóa một phần. Do đó, việc ứng dụng công nghệ mới như AI cũng là thách thức lớn. Trong kỷ nguyên số, mô hình doanh nghiệp truyền thống sẽ bị thay thế bằng mô hình chuyển đổi số quản trị doanh nghiệp.

Tự động hóa kết hợp AI và doanh nghiệp số sẽ là xu hướng tất yếu, do đó doanh nghiệp sẽ dựa vào thông tin dữ liệu và điện toán đám mây, trong đó IoT là chìa khóa của dữ liệu; dữ liệu lớn (Big Data) và AI sẽ là công cụ tối ưu để vận hành trong tương lai./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024