Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên không gian mạng
Sự kiện quy tụ các cán bộ thực thi pháp luật, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục, đại diện UNICEF, UNFPA, UNESCO, đại diện sứ quán Vương quốc Anh, Canada, Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cùng các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Thủ đô, Đại học Công nghiệp Hà Nội, công ty Viễn thông Viettel…

Phát biểu khai mạc, bà Caroline Nyamayemombe - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo đã góp phần trực tiếp vào việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia đầu tiên của Việt Nam về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (NAP WPS), được thông qua vào năm 2024.
“Trong khi công nghệ mở ra nhiều cơ hội cho đổi mới và phát triển, thì phụ nữ và trẻ em gái cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi nạn bắt nạt và quấy rối trực tuyến, lừa đảo và xâm hại tình dục trên không gian mạng”, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam lưy ý.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế bao gồm đại diện từ UNESCO và UN Women đã chia sẻ dữ liệu toàn cầu và thực tiễn về bạo lực trên cơ sở giới có yếu tố công nghệ (TF GBV). Theo nghiên cứu toàn cầu, có đến 38% phụ nữ đã từng trải qua bạo lực trực tuyến, và tại Việt Nam, 21% thanh thiếu niên từ 13-24 tuổi từng bị bắt nạt trên mạng (UNICEF, 2019).
Bà Justine Sass - Trưởng phòng Giáo dục vì hòa nhập và bình đẳng giới của UNESCO kêu gọi các biện pháp tiếp cận toàn diện để chấm dứt bạo lực trên không gian mạng, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của hệ thống giáo dục trong việc xây dựng không gian mạng an toàn và nhạy cảm giới thông qua chương trình giảng dạy, chính sách học đường, đào tạo giáo viên và sự tham gia của học sinh.
Các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp xoay quanh 4 trụ cột của Nghị trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Phòng ngừa - Bảo vệ - Tham gia - Cứu trợ và Phục hồi với thông điệp: “An toàn trên không gian mạng bắt đầu từ mỗi cá nhân. Hãy chủ động nhận biết nguy cơ, nâng cao kỹ năng tự vệ và không ngần ngại chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần”.
Trong bài phát biểu bế mạc, Thượng tá Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng, Cục Đối ngoại Bộ Công An nhấn mạnh: “Những gì chúng ta làm hôm nay sẽ tác động đến thế giới ngày mai, vì vậy thế giới cần chung tay hành động để thực hiện hoá một không gian mạng an toàn cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em và phụ nữ, đồng thời trở thành một nền tảng quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới”.

Hội thảo kết thúc với lời kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành giữa cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường, học viện, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức quốc tế, nhằm đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái có thể tham gia một cách an toàn, tự tin và bình đẳng vào tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam./.
- Nâng cao các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
- "Hướng tới tương lai chuyển đổi số ở Việt Nam" - Dự án thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực công nghệ
- Hội thảo khoa học công bố kết quả nghiên cứu quốc gia về bình đẳng giới