ISSN-2815-5823

Kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các cơ sở đào tạo, dạy nghề năm 2024

(KDPT) - Sáng 1/11, tại Hà Nội, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vương Đình Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, Sở Công Thương cho biết, công nghiệp chủ lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp thành phố, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 289 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử, công nghệ thông tin; dệt may, da giày, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, được phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.

Theo thống kê gần đây, Hà Nội là 1 trong 5 thành phố có lượng cung ứng lao động lớn nhất cả nước. TP. Hà Nội được nhận định có tiềm năng lớn để phát triển và thu hút đầu tư và thúc đẩy hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao: như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh...

Hà Nội được xem là một trong những thành phố có tỉ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước, là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, với gần 37% lao động có trình độ và tay nghề, trong đó, lượng lao động trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm đa số. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Hà Nội chiếm 30% nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.

Đến nay, TP. Hà Nội công nhận 105 doanh nghiệp có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố, sử dụng khoảng 100.000 lao động. Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng 300 cơ sở đào tạo nghề. Trung bình hàng năm, thành phố đào tạo mới hơn 140.000 lao động.

Nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số. Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng quyết định đến tăng trưởng kinh tế bên cạnh yếu tố vốn, tài nguyên và công nghệ.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác giữa các trường đại học, trường đào tạo nghề với Hiệp hội Doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội và các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024