Nằm trong dòng chảy văn hiến của dân tộc Việt Nam, Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hiện là một trong những địa phương có nhịp độ phát triển kinh tế cao trong cả nước, bên cạnh thể mạnh về phát triển công nghiệp, với lợi thế giáp ranh thủ đô Hà Nội, đặc biệt gần sân bay quốc tế Nội Bài - của ngõ đối ngoại quan trọng nhất của miền Bắc thì tiềm năng về văn hóa, du lịch cũng là một trong những thế mạnh đặc biệt có thể khai thác phát triển tốt, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Về vị trí địa lý, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa - văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc, xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng. Thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc 3 vùng cảnh quan miền núi, trung du, đồng bằng. Với dãy núi Tam Đảo trấn giữ phía Đông Bắc tỉnh Vĩnh Phúc, đối xứng với núi Tản Viên miền Sơn Tây qua trục thủy đạo sông Hồng hàng triệu năm bồi đắp với nền văn minh lúa nước nổi tiếng.

Vĩnh Phúc là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ, những chủ nhân đầu tiên của nền văn minh lúa nước sông Hồng, hình thành nên quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương. Đời nào cũng có những nhân tài, võ học, nho học nức tiếng cả nước… đóng góp cho sự thịnh vượng hàng ngàn năm của nền văn hóa nước nhà.

Trước những điều kiện lịch sử văn hóa, vị trí địa lý và con người Vĩnh Phúc đẩy tiềm năng, lợi thế cho ngành du lịch, chiều ngày 16/12/2022 Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức buổi Tọa đàm “Báo chí viết về văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc” nhằm thu hút những sự đóng góp ý kiến của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương, các nhà báo về những giải pháp phát triển văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc trong thời gian tới hiệu quả hơn.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại buổi Tọa đàm" Báo chí viết về văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc" (Ảnh: Dương Chung)

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định Vĩnh Phúc có rất nhiều lợi thế về văn hóa, du lịch; tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về văn hóa, con người Vĩnh Phúc và du lịch Vĩnh Phúc, tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa thực sự đồng bộ do nhiều nguyên nhân, do đó, trong thời gian tới rất cần có những nội dung tuyên truyền chuyên sâu, đi vào cụ thể các giải pháp phát triển văn hóa, du lịch Vĩnh Phúc trên các trang thông tin báo chí Trung ương để quảng bá, đưa hình ảnh văn hóa, đất và người Vĩnh Phúc đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Với lợi thế về lịch sử, địa lý, về bản sắc văn hóa dân tộc, trong thời gian tới Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào những điểm nhấn về di tích lịch sử được xếp hạng, về đặc trưng của đồng bào dân tộc, về những danh lam, thắng cảnh thiên nhiên ban tặng để thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá du lịch. Từ những nguồn lực đó, tạo sức hút cho ngành công nghiệp du lịch thực sự hiệu quả, nâng tầm vị thế du lịch Vĩnh Phúc, để Vĩnh Phúc trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Buổi Tọa đàm cũng thu hút nhiều cơ quan báo chí trung ương tại Vĩnh Phúc và báo chí tỉnh Vĩnh Phúc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến:

Bên cạnh những thành tựu về văn hóa du lịch Vĩnh Phúc đã đạt được như vị thế khu du lịch quốc tế Tam Đảo, khu du lịch tâm linh Tây Thiên – Thiền viện; khu nghỉ dưỡng 5 sao Flamingo Đại Lải… đã tạo được sức hút với du khách. Một số ý kiến của những người làm báo cho rằng Vĩnh Phúc cần thực hiện quảng báo du lịch nhiều hơn, có giải pháp giữ chân du khách để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách để có những lần trải nghiệm sau, đó là mục tiêu cuối cùng của những nhà quản lý làm du lịch.

Để tận dụng được hết lợi thế về văn hóa, con người, về tiềm năng thiên nhiên trời phú cho lĩnh vực du lịch, các nhà báo mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc cần có nhiều hơn nữa những kết nối với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, bởi đây là những kênh thông tin chính thống, đa chiều có khả năng tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, của tỉnh Vĩnh Phúc về văn hóa, du lịch đến với người dân, với du khách; bên cạnh đó, các nhà báo cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc nghiêm túc xem xét những hạn chế, tồn tại để khắc phục và có giải pháp căn cơ cho các địa điểm du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế, điển hình như thị trấn Tam Đảo.

Khơi dậy sức mạnh cội nguồn văn hóa tạo đòn bẩy cho thế mạnh du lịch Vĩnh Phúc
Thị trấn Tam Đảo - điểm đến hàng đầu thế giới năm 2022 (Ảnh: KDL)

Năm 2009, Vĩnh Phúc lần đầu tiên có mặt trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thế của thế giới, được UNESCO vinh danh Ca trù và Kéo co; di tích danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo, kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, tháp gốm men chùa Trò công nhận là bảo vật quốc gia, nghi lễ rước nước thờ thần linh thiêng tại đền Ngự Dội, hát Soọng cô, trống quân Đức Bắc tình tử, giao duyên được ghi danh văn hóa phi vật thể quốc gia... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng được thiên nhiên ban tặng với nhiều thắng cảnh đẹp, đa dạng với nhiều loại địa hình: Rừng, núi, động, thác, sông, hồ, như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lãi... trong đó, vùng núi Tam Đảo với phong cảnh đẹp, vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ, không khí trong lành, mát mẻ, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho mọi du khách gần xa; khu di tích, danh thắng Tây Thiên - một quần thể di tích kiến trúc, vừa có cảnh quan sơn thủy hữu tình, điểm du lịch tâm linh mà ít có nơi nào sánh kịp.

Mới đây nhất, thị trấn Tam Đảo được nhận Giải thưởng "Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới" năm 2022 góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của du lịch Tam Đảo không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn cầu, thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Thị trấn Tam Đảo nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mặt biển, dãy núi dài gần 50 km, rộng hơn 10 km bao bọc, thiên nhiên ban tặng cho Tam Đảo một khung cảnh vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ trong cảnh mây ngàn, gió núi quanh năm. Thực sự là điểm đến lý tưởng với du khách ưu thích khám phá thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ có 1 không hai nơi đây.