ISSN-2815-5823

Kỷ niệm 25 năm UNESCO và Việt Nam: Đối tác vì Hòa bình và Phát triển bền vững

(KDPT) - Ngày 25/10, tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đã diễn ra Lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác giữa Việt Nam và UNESCO, ghi dấu 25 năm thành lập Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và dịp Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố vì Hòa bình.

Lễ kỷ niệm diễn ra trong không khí đầm ấm với sự có mặt của 200 đại biểu đến từ UNESCO, Chính phủ, giới học thuật, các trung tâm nghiên cứu và trường đại học, các tỉnh, thành phố, Đại sứ quán, Liên hợp quốc tại Việt Nam và đối tác phát triển. 

Ông Nguyễn Dy Niên - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Ông Nguyễn Dy Niên - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Nhìn lại chặng đường gắn bó với UNESCO gần 50 năm qua, ông Nguyễn Dy Niên - Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chia sẻ: “Cho đến bây giờ chúng ta tự hào để nói rằng chúng ta có một tiềm lực, một vị thế chưa bao giờ lớn như bây giờ, trong đó có góp phần không nhỏ của văn phòng UNESCO. Việc Việt Nam - UNESCO cùng triển khai, hợp tác với nhau là vô cùng quan trọng, mang tính nhân ái và thân thiện cả về tinh thần và vật chất cho người dân. Tôi tin rằng, trong tương lai, hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng rộng mở”.

Ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam xúc động: “UNESCO có một vị trí rất đặc biệt trong trái tim người Việt Nam. UNESCO bắc những nhịp cầu quan trọng góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam. Hợp tác hai bên đã có những bước phát triển vượt bậc ở tầm cao mới, toàn diện, thực chất và hiệu quả”.

Nhớ lại kỷ niệm 25 năm trước tổ chức hội thảo quốc gia về văn hóa hòa bình ở Hà Nội, ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách Ưu tiên châu Phi và Quan hệ Đối ngoại cho biết: Mối quan hệ giữa Việt Nam - UNESCO trong nhiều năm qua là quan hệ đối tác được xây dựng dựa trên cam kết đúng đắn của Chính phủ Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, và dựa trên niềm tin chung của chúng ta vào giáo dục, khoa học và văn hóa làm nền tảng để xây dựng xã hội hòa nhập và bền vững hơn. Với 70 danh hiệu UNESCO công nhận, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy sứ mệnh của UNESCO. Mối quan hệ của chúng ta ngày càng bền chặt hơn kể từ năm 1999. Sau 25 năm, mối quan hệ đã đạt đến một tầm cao mới, đỉnh điểm là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ngài Tô Lâm, tới Trụ sở UNESCO tại Paris vào đầu tháng này.”

Ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.
Ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nói: “UNESCO sẽ đồng hành cùng Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, một quốc gia tiên phong trong gìn giữ hòa bình, bảo tồn văn hóa, thúc đẩy giáo dục và bảo vệ môi trường. Tôi tin tưởng rằng trong 25 năm tới, chúng ta sẽ cùng nhìn lại và trân trọng những thành tựu chúng ta đã cùng nhau đạt được vì lợi ích của người dân Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác giữa Việt Nam và UNESCO.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác giữa Việt Nam và UNESCO.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập năm 1945 với mục tiêu góp phần duy trì hòa bình và thúc đẩy thịnh vượng cho nhân loại thông qua thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa.

Xuất phát từ khát vọng hòa bình của nhân dân, năm 1976, ngay sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã gia nhập UNESCO, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế. Năm 1977, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam được thành lập và Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO (1978-1983).

Tiếp đó, Phái đoàn Việt Nam thường trực bên cạnh UNESCO (tại Paris) được thành lập (1982) và Liên hiệp các Hội UNESCO được ra đời (1993).

Năm 1999, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã được thành lập tại số 23 phố Cao Bá Quát, Quận Ba Đình, cùng dấu mốc Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố vì hòa bình. Sau 25 năm hoạt động, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã phát triển song hành cùng Việt Nam trong suốt quá trình quốc gia chuyển mình thành một xã hội hiện đại, năng động, đổi mới và sáng tạo.

Văn phòng đã luôn luôn sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs, giai đoạn 2000-2015) và các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs, giai đoạn 2015-2030), cùng với các cơ quan khác trong cùng gia đình Một Liên hợp quốc và đối tác tư nhận để giúp Việt Nam đạt được tiến bộ trong mọi lĩnh vực của phát triển bền vững. UNESCO đóng vai trò là cố vấn chính sách đáng tin cậy cho Việt Nam trong các lĩnh vực chuyên môn.

Trên chặng đường này, UNESCO và Việt Nam đã cùng nhau đạt được những thành tựu to lớn. Hà Nội, Hội An và Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO, khơi dậy sức sáng tạo và sự năng động của tuổi trẻ. TP.HCM và Sơn La là thành phố học tập của UNESCO, thúc đẩy học tập suốt đời. Việt Nam có 8 di sản thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển và 4 công viên địa chất toàn cầu, cũng như 2 trung tâm UNESCO về toán học và vật lý và một Trường Đại học được công nhận là trung tâm nghiên cứu và đào tạo do UNESCO bảo trợ. UNESCO đóng vai trò là cố vấn chính sách đáng tin cậy cho Việt Nam trong các lĩnh vực chuyên môn của tổ chức: giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin và truyền thông.

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, ngày 26/10 cũng đã diễn ra chương trình Đối thoại thanh niên với chủ đề “Thanh niên và UNESCO tại Việt Nam: Kiến thiết phát triển bền vững”./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024