Làm gì để “Không lỡ nhịp với cuộc sống”?
Cuốn sách “Để không lỡ nhịp với cuộc sống” là tập hợp những bài báo, bài viết “bám sát thực tiễn sinh động hoạt động của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, góp phần đánh giá, phân tích, phản biện chính sách, phản ánh trung thực những thành tựu cũng như thách thức, gợi mở những hướng đi, giải pháp có giá trị thực tiễn trong đời sống kinh tế – xã hội ở nhiều lĩnh vực, vùng miền của Tổ quốc” (Trích lời giới thiệu của Phó Chủ tịch Quốc hội – ông Phùng Quốc Hiển). Qua đây, người đọc sẽ phần nào giải đáp được cho mình câu hỏi mà nhiều người cảm thấy trăn trở: Làm gì để không lỡ nhịp với cuộc sống? Bởi cuộc sống vốn hối hả, ngược xuôi và bộn bề, có cái mới, cái cũ cứ cuốn ta đi mãi, mà nếu không biết chắt lọc, “gạn đục khơi trong” sẽ rất dễ bị “lỡ nhịp với cuộc sống”.
Bên cạnh những trang viết về hoạt động của Quốc hội, hoạt động của các đại biểu Quốc hội mà T.S Trần Văn là một người “trong cuộc”, cuốn sách cũng chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc, những hình ảnh một thời khó khăn, thiếu thốn về vật chất mà hào hùng của dân tộc.
Cuốn sách được chia làm ba phần. Phần I mang tên: Để không lỡ nhịp là tập hợp những bài viết của tác giả trên báo chí, về công cuộc đổi mới của đất nước, những suy tư, trăn trở về chính sách, những đường bước cho sự phát triển đất nước dưới góc nhìn của một đại biểu Quốc hội như: Giải bài toán xây dựng nông thôn mới; Vượt qua chính mình; Thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ; Niềm tin – động lực cho tương lai; Để chắp cánh cho kinh tế tư nhân…
Phần II của cuốn sách mở ra một lăng kính mới cho hoạt động kinh tế, nhìn từ thực tiễn của cuộc sống qua những chính sách, hoạt động của các vùng, các quốc gia khác nhau: Tương lai kinh tế biển Việt Nam, nhìn từ Na Uy; Singapore: Chính sách tạo nên sự khác biệt… Phần này có thể xem như cẩm nang, đúc kết từ hoạt động thực tiễn của một vị đại biểu Quốc hội giàu kinh nghiệm.
Phần cuối cùng của cuốn sách, dường như tác giả đã có thời gian lắng lại sau những năm tháng hoạt động chính trị sôi nổi, tâm huyết. Phần III Ngược dòng thời gian đem đến cho người đọc sự chiêm nghiệm, những hồi ức và kỷ niệm của tác giả trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Những năm tháng học sinh đi sơ tán với hình ảnh cơm trong rá, canh trong chậu, đến những nốt trầm khi chứng kiến cảnh bom đạn chiến tranh tàn phá quê hương, tuổi thơ nghịch ngợm “ném chết gà nhà hàng xóm” mà vẫn “ấm ức vì gà chết họ thịt ăn mà bố phải đền tiền, những ngày tháng du học ở Liên Xô được tác giả thu gọn trong những trang sách tuy nhỏ thôi mà chứa đựng những niềm tự hào lớn lao.
Với gần 300 trang sách, không có ngôn từ đao to búa lớn, tác giả tiếp cận vấn đề một cách nhẹ nhàng và cũng nhẹ nhàng truyền tải tới công chúng những thông điệp sâu sắc của mình. Không chỉ là sự tập hợp những bài báo qua nhiều năm tháng làm việc, Để không lỡ nhịp với cuộc sống thực sự là cuốn cẩm nang, giới thiệu kinh nghiệm quốc tế tiên tiến, những trải nghiệm của một vị đại biểu Quốc hội mẫn cán mà tác giả có điều kiện tiếp cận, chắc chắn nhiều người sẽ tìm thấy cho mình những tư liệu quý giá trong cuốn sách nhỏ này, “để không lỡ nhịp với thời gian”.
Quốc Duy