Loạt điểm sáng của Techcombank trong năm 2023
2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng trưởng 5,05%, tiêu dùng yếu ớt, đầu tư tư nhân suy giảm, thị trường bất động sản khủng hoảng, thị trường vốn chưa được khơi thông. Ngoại trừ một số ít ngành nghề duy trì được tăng trưởng, phần đông doanh nghiệp phải đối diện với các thách thức, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Nhìn lại năm 2023, soi chiếu vào bức tranh kinh doanh và chất lượng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết, là một cách để hiểu về sự vận động của nền kinh tế trong thời gian vừa qua, để từ đó đưa ra các dự báo về triển vọng trong năm tới. Vì vậy, Tạp chí Kinh doanh và Phát triển triển khai tuyến bài “Nhìn lại một năm của doanh nghiệp niêm yết”. Trân trọng gửi tới quý độc giả! |
Theo báo cáo, quý IV/2023, tổng thu nhập hoạt động của TCB đạt 11.017 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 7.597 tỷ đồng, tăng 11%.
Đặc biệt, thu nhập từ dịch vụ đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 14%, cao nhất lịch sử. Động lực giúp hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ đến từ nguồn thu dịch vụ thẻ tăng 34%, đạt 2.148 tỷ đồng, thu từ dịch vụ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán tăng gần 82%, đạt 4.509 tỷ đồng và thu từ dịch vụ ngoại hối tăng 9%, đạt gần 996 tỷ đồng.
Loạt điểm sáng của Techcombank trong năm 2023. (Ảnh: TCB) |
Đáng nói, nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm và phí dịch vụ ngân hàng đầu tư trong quý IV/2023 đã có sự khởi sắc ấn tượng, là tiền đề để kỳ vọng hai mảng này sẽ hồi phục mạnh hơn trong năm 2024.
Cụ thể, thu từ dịch vụ bảo hiểm quý IV/2023 tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ, đồng thời giữ vững ngôi vị số 1 toàn ngành về phí bảo hiểm hàng năm (APE) trong 4 tháng cuối năm 2023. Trong khi đó, thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư quý IV/2023 tăng trưởng tới gần 136% so với cùng kỳ và tăng 4,1% so với quý liền kề trước đó, chủ yếu nhờ mô hình môi giới khác biệt. Thị phần của TCBS tiếp tục tăng tốc ấn tượng lên 7,6% vào cuối năm, vươn lên vị trí top 3 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất trên sàn HoSE.
Ngoài ra, TCB còn ghi nhận 1,4 nghìn tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác trong năm qua, so với gần 373 tỷ đồng chi phí thuần năm 2022, chủ yếu nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và khoản lãi thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý I/2023.
Trong khi hiệu quả kinh doanh nâng cao thì TCB vẫn duy trì tốt việc tiết giảm chi phí hoạt động, giảm 7,8% so với cùng kỳ.
Kết quý IV/2023, TCB báo lợi nhuận trước thuế 5.773 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế, lợi nhuận đạt 4.481 tỷ đồng, tăng 25,5%.
Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của TCB đạt 22.888 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm (22.000 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 18.191 tỷ đồng.
Về tài sản, tổng tài sản của TCB đã tăng 21,5% trong năm 2023, đạt 849.500 tỷ đồng. Tính riêng ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 19,2% so với đầu năm, đạt 530.100 tỷ đồng, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.
Tiền gửi khách hàng tăng 26,9%, đạt 454.700 tỷ đồng, tăng 26,9% so với đầu năm và 11,2% so với quý III/2023. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 181.500 tỷ đồng, tăng 37%, đánh dấu quý tăng thứ 3 liên tiếp, giúp tỷ lệ CASA được nâng lên tới 39,9%. Mức tăng trưởng này cho thấy năng lực ngân hàng giao dịch hàng đầu của TCB, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số (tăng 41% so với cùng kỳ lên 2,2 tỷ giao dịch, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS) và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng dẫn đầu toàn cầu - hơn 50 lượt/khách hàng active.
Vị thế vốn của TCB vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định là 77,4% vào ngày 31/12/2023 (so với 76,7% vào cuối quý III/2023). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 26,4%, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định mới 30%.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của TCB đạt 14,4% tính đến hết năm 2023, tiếp tục là đứng ở vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng và cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8%.
Chi phí dự phòng tăng 102,5% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự chủ động của ngân hàng trong trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2023 chỉ còn 1,19% giảm từ mức 1,4% vào cuối quý III. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục cho vay và trái phiếu là 1,12%.
TCB khép lại quý IV/2023 với trên 13,4 triệu khách hàng, ghi nhận 2,6 triệu khách hàng mới trong cả năm 2023, nhiều hơn gấp đôi con số của năm 2022. Trong số đó, 46,8% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 36,2% thông qua các đôi tác trong hệ sinh thái.
Đáng chú ý, TCB dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông phương án trả cổ tức tiền mặt ít nhất 20% lợi nhuận sau thuế hoặc 4-5% vốn chủ ngân hàng thời điểm đầu năm. Điều này đồng nghĩa, ngân hàng sẽ chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông tối thiểu 1.500 đồng một cổ phiếu. Đây là năm đầu tiên TCB hé lộ kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau giai đoạn 2013-2023.
Theo đại diện ngân hàng, sau một thập kỷ tăng trưởng lợi nhuận, việc duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt nhưng đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cấp một từ 14-15% là hoàn toàn khả thi./.
YẾN THANH