ISSN-2815-5823

Luật thuế TNDN: Khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế

(KDPT) - Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp phải đảm bảo thu ngân sách Nhà nước, khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu thuế… Những điều nào “đã chín, đã rõ” thì sửa, cái gì chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu.

Thách thức trong quản lý thuế TNDN

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 23/9, đề cập đến nội dung cơ bản của việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) gồm 4 chương, 20 điều. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày tại phiên họp. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày tại phiên họp. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Dự án Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý; đồng thời đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. 

Dự án Luật quy định rõ thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, bao gồm cả thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh.

Việc luật hóa quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế TNDN bổ sung theo cơ chế chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu cho thấy, mặc dù Nghị quyết có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2024, nhưng thời hạn kê khai và nộp thuế bổ sung được kéo dài từ 12-18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính 2024. 

Theo đó, phải đến năm 2026, doanh nghiệp mới thực sự áp dụng quy định này và hiện chưa thể đánh giá được hiệu quả cũng như những vấn đề phát sinh từ thực tiễn triển khai.

Do đó, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, tại dự thảo Luật chưa bổ sung nội dung luật hóa các quy định tại Nghị quyết 107/2023/QH15 để đảm bảo nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật là “Luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp, bao gồm cả những nội dung đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật”.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, về quan điểm thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhà cung cấp nước ngoài, hiện Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp các doanh nghiệp này có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Vì vậy, đề nghị làm rõ về tính hiệu quả của các quy định trong dự thảo Luật và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác để bảo đảm việc thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử.

Về cơ sở thường trú trong các hoạt động kinh doanh dựa trên thương mại điện tử và trên nền tảng số: Theo Báo cáo thuyết minh Dự án Luật, hiện tại, nhiều doanh nghiệp không có hiện diện vật lý tại Việt Nam nhưng vẫn tạo ra doanh thu đáng kể từ thị trường này. Điều này đã đặt ra thách thức lớn cho hệ thống thuế hiện hành, vốn dựa trên khái niệm “cơ sở thường trú” căn cứ trên hiện diện vật lý.

Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên khái niệm này, dẫn đến khó khăn trong quản lý và thu thuế từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Các cơ quan thẩm tra đề nghị cần có một khái niệm mới về "cơ sở thường trú ảo" để phù hợp với thực tế kinh doanh kỹ thuật số, không phụ thuộc vào sự hiện diện vật lý. Điều này nhằm giải quyết những bất cập hiện tại và ngăn ngừa thất thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh trực tuyến.

Dự án Luật đã bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. 

Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh). Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.

Đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Thuế TNDN, Chủ tịch Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của luật hiện hành liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các khoản chi phí được trừ và không được trừ.

Sửa đổi toàn diện và bổ sung các Luật về thuế

Ngoài các nội dung điều chỉnh liên quan đến doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, việc sửa đổi Luật Thuế TNDN còn phải đảm bảo tính đồng bộ với các luật thuế khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã nhấn mạnh, quá trình sửa đổi cần có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ dừng lại ở Luật Thuế TNDN mà còn liên quan đến các quy định về thuế, phí và ngân sách nói chung.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần sửa đổi Luật có tính chất toàn diện hơn, do đó cơ quan chủ trì soạn thảo cần lý giải kỹ, thuyết phục Quốc hội vì sao sửa Luật, sửa như thế nào với quan điểm vướng quy định nào thì sửa ngay quy định đó, nhằm tạo điều kiện về thể chế cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, trong Luật hiện hành đang vướng mắc ở những điều gì thì nên sửa ngay cái đó. Những điều nào “đã chín, đã rõ” thì sửa, cái gì chưa rõ thì phải tiếp tục nghiên cứu. Nếu sửa toàn diện Luật Thuế TNDN thì phải có sự đánh giá tác động. Việc sửa đổi những điều mới thì phải tốt hơn những cái cũ. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu thảo luận. (Ảnh: Báo Chính phủ)

"Sửa cái mới phải tốt hơn cái cũ, tránh tình trạng sửa cái mới nhưng khi thực hiện lại thà rằng để cái cũ lại hay hơn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng của Luật là phải bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỷ lệ động viên thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế; bảo đảm công bằng hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn xu thế và thông lệ quốc tế.

Nhấn mạnh đến việc đổi mới cách làm Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội thực hiện. Những gì thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ thì Chính phủ triển khai. Việc làm này cũng là đảm bảo chất lượng luật được tốt nhất trước khi trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tập trung thảo luận vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của Luật Thuế TNDN (sửa đổi); quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành, triển khai luật…/.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024