Mâu thuẫn nội bộ OpenAI lên tới đỉnh điểm
Tháng 7/2023, OpenAI đã thành lập nhóm có vai trò giảm thiểu rủi ro AI là Superalignment. Thế nhưng, vừa qua, nhóm đã được tuyên bố giải thể. Ilya Sutskever và Jan Leike là lãnh đạo nhóm cũng đã đệ đơn xin từ chức.
Theo ông Sutskever chia sẻ, ông quyết định rời OpenAI sau gần một thập kỷ. Ông rất hứng thú với những gì diễn ra với bản thân mình, một dự án có ý nghĩa. Vào thời điểm thích hợp, ông sẽ chia sẻ chi tiết hơn.
Ông Sutskever được biết đến là một trong những cộng sự đắc lực của CEO Sam Altman trong việc thành lập Open AI vào năm 2015, ngoài ra có công trong việc tạo ra chatbot nổi tiếng là ChatGPT. Thế nhưng, vào tháng 11/2023, cùng với 3 thành viên hội đồng quản trị, ông cũng đã đồng ý sa thải Altman.
Trên nền tảng X, ông Leike cũng đã tuyên bố từ chức ngay sau động thái của Sutskever. Do cựu giám đốc điều hành này lý giải về sự ra đi của mình rằng những bất đồng trong suốt thời gian dài khiến ông cảm thấy mệt mỏi do đi ngược chiều gió. Việc xây dựng AI có tính sáng tạo là một trọng trách đầy hiểm nguy, tuy nhiên OpenAI chỉ chú ý tới việc phát hành sản phẩm thay vì tập trung vào việc xây dựng sự an toàn.
Chia sẻ trong một bài đăng, Leike nói rằng ông từ lâu đã không đồng ý với Ban lãnh đạo OpenAI về những ưu tiên cốt lõi của công ty. Mâu thuẫn đã lên tới đỉnh điểm. Trong những tháng qua, họ đã gặp nhiều khó khăn khi tính toán và triển khai nghiên cứu quan trọng này.
Vai trò của nhóm Superalignment được biết đến là xử lý những thách thức kỹ thuật cốt lõi của việc liên kết siêu trí tuệ. Ngoài ra, nghiên cứu về các trí tuệ nhân tạo AI siêu thông minh, có thể đánh lừa cũng như chế ngự con người.
Tờ BI cho biết quyết định giải thể Superalignment Team cho thấy một nội bộ lục đục ở OpenAI đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng quản trị hồi tháng 11/2023. Do làm rò rỉ bí mật công ty nên hai nhà nghiên cứu Leopold Aschenbrenner và Pavel Izmailov bị sa thải. Trong khi đó, một thành viên khác là William Saunders đã quyết định rời OpenAI vào hồi tháng 2. Thông tin đăng tải trên LinkedIn cho thấy trưởng nhóm nghiên cứu về các lĩnh vực chính sách Cullen O'Keefe cũng đã xin nghỉ việc.
Không có tín hiệu nào chỉ ra rằng cơn bão từ chức tại OpenAI có mối liên quan đối với việc tạo ra các AI siêu thông minh. Thế nhưng, các nghiên cứu mới nhất đã làm dấy lên những lo lắng về quyền riêng tư, khả năng con người bị AI thao túng và rủi ro an ninh mạng.
CEO Sam Altman trước đó cũng từng xung đột với Ban quản trị về vấn đề này. BI cho biết ông Sutskever lo ngại rằng Altman đang thúc đẩy Open AI phát triển quá nhanh và do đó, muốn triển khai mọi thứ một cách thận trọng. Thế nhưng, vị lãnh đạo này dần bị đẩy ra khỏi các quyết định có liên quan tới GPT-5 và kế hoạch mở rộng quy mô sản phẩm do mâu thuẫn trong suy nghĩ với Sam Altman.
Vào tháng 10, căng thẳng được cho là lên tới đỉnh điểm khi Altman thăng chức cho một nhà nghiên cứu lên cấp độ tương đương với Sutskever. Nhà khoa học trưởng của OpenAI đã xem đó là sự hạ thấp vị thế, do vậy đã thảo luận với các thành viên của hội đồng quản trị rằng ông có thể nghỉ việc. Đó là động thái khiến công ty phải ra quyết định lựa chọn giữa Altman và Sutskever.
WSJ đưa tin, sự lục đục tại OpenAI đã ngày càng trở nên phức tạp khi đội ngũ của Ilya Sutskever chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo trí tuệ nhân tạo sẽ không gây hại đối với con người, còn Sam Altman lại háo hức và thúc đẩy việc đưa các công nghệ mới tung ra thị trường. Việc Ilya Sutskever và Jan Leike quyết định rời đi cùng với việc giải tán của nhóm Superalignment xảy ra chỉ vài ngày sau khi GPT-4o được ra mắt với khả năng được cho là gần giống như con người. Giám đốc công nghệ của OpenAI, Mira Murati cũng đã tung hô về các bản cập nhật giúp công nghệ trở nên trực quan hơn.
Giám đốc công nghệ của OpenAI cho biết họ đã tập trung mạnh vào việc cải thiện trí thông minh của những mô hình này trong một vài năm qua, và chúng đã hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, đó là lần đầu tiên mà họ thực sự đạt được một bước tiến lớn về tính dễ sử dụng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, OpenAI có thể nhắm tới mục tiêu dẫn đầu trong cuộc đua thống trị thị trường AI nhờ phiên bản mới, thế nhưng vẫn không phủ nhận những rủi ro về mặt công nghệ. Theo ông Leike, công ty nên chú ý và dành nhiều tài nguyên hơn vào an ninh, giám sát, an toàn, bảo mật, siêu liên kết, tác động xã hội cũng như các chủ đề có liên quan thay vì chủ trương phát triển quá nhanh như vậy.
Leike lo ngại rằng không đi đúng quỹ đạo để đạt được điều đó.
Hiện nay, Open AI đang thu hút được nhiều nhà đầu tư phục vụ quá trình phát triển mô hình dữ liệu. Theo Altman, công ty mình có thể sẽ là startup dùng nhiều vốn nhất lịch sử ở Thung lũng Silicon vì mô hình gần đây nhất là GPT-4 ước tính đã tiêu tốn 100 triệu USD, gấp nhiều lần GPT-3.
Các mô hình của Open AI được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu lớn và có thể triển khai nhiều tác vụ khác nhau. Cơn sốt ChatGPT đã biến nó trở thành lựa chọn mặc định cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp và nhà phát triển mong muốn nắm bắt cuộc đua tỷ USD.
Thế nhưng, bên cạnh những ưu điểm trên, OpenAI cũng có những khó khăn riêng. Cụ thể, công ty đã tự đặt mình vào tình huống có thể phá sản trong nỗ lực thành người tiên phong làn sóng AI tổng hợp qua chatbot ChatGPT.
Một bài đăng trên Fortune vào hồi cuối năm ngoái cho thấy OpenAI đã tốn 700.000 USD/ngày để chỉ hoạt động một trong các dịch vụ AI của mình là ChatGPT. Đó được coi như một cách để Sam Altman đốt tiền cho dù Open AI không thể hòa vốn./.