ISSN-2815-5823

Mở rộng nhà ở xã hội cho thuê

(KDPT) - Ở các đô thị, thành phố lớn có tốc độ công nghiệp hóa cao, bài toán an cư cho người lao động ngày càng cấp thiết. Cho thuê nhà ở xã hội hiện đang được xem là giải pháp thiết thực cho người lao động song cần thêm chính sách hỗ trợ mang tính đột phá.

Thực tế vừa qua nhà ở xã hội vẫn rất khan hiếm ở loại hình cho thuê nên nhiều người dân lao động, sinh viên ở các đô thị lớn phải thuê trọ từ nhà dân dù rất nhiều hiểm họa đang rình rập. Vụ hỏa hoạn vừa xảy ra sáng 24/5 một lần nữa lại khiến dư luận dấy lên mong muốn tìm được những loại hình nhà ở cho thuê đảm bảo an toàn hơn, cải thiện điều kiện sống tốt hơn. 

Nhu cầu thực tế

Đang thuê trọ tại một khu nhà trọ ở Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội), chị Hoàng Huyền bày tỏ: đọc tin vụ hỏa hoạn xảy ra ở Trung Kính (Cầu Giấy) mà tôi thấy rợn mình, lo lắng vô cùng. Khu nhà chúng tôi thuê trọ cũng có rất nhiều hạn chế nhưng bây giờ tìm được nơi thuê trọ phù hợp với giá tiền đảm bảo tiêu chí an toàn rất khó, trong khi gia đình tôi chưa đủ tài chính để mua nhà.

Để tìm được nơi thuê trọ phù hợp với giá tiền đảm bảo tiêu chí an toàn rất khó, trong khi nhiều gia đình chưa đủ tài chính để mua nhà. (Ảnh: Thanh Niên)
Để tìm được nơi thuê trọ phù hợp với giá tiền đảm bảo tiêu chí an toàn rất khó, trong khi nhiều gia đình chưa đủ tài chính để mua nhà. (Ảnh: Thanh Niên)

Cùng chung tâm trạng như chị Huyền, anh Lê Văn Sáng cho biết, lo nhất là nhà có trẻ nhỏ nhưng hiện vẫn lực bất tòng tâm. "Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho những người dân lao động như chúng tôi được thuê nhà có điều kiện đảm bảo an toàn mà giá thành hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh", anh Sáng chia sẻ.

Anh Lê Tấn Vũ (quận 8, TP.HCM) chia sẻ rằng việc mua nhà ở xã hội với gia đình anh vẫn là giá quá cao, vì vậy nhà ở cho thuê là phù hợp nhất. “Gia đình tôi cũng có thời gian chật vật nâng lên đặt xuống giữa quyết định mua các căn hộ giá rẻ như nhà ở xã hội hay tiếp tục đi thuê nhà. Cuối cùng chúng tôi vẫn chọn ở nhà thuê” - anh Vũ chia sẻ.

Trên thực tế nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng vẫn bị ế, nhà xây ra để đó không ai mua.
Trên thực tế nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng vẫn bị ế, nhà xây ra để đó không ai mua.

Trên thực tế nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng vẫn bị ế, nhà xây ra để đó không ai mua. Do đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất giải pháp cho thuê nhà ở xã hội. Điều này phù hợp với nhu cầu của phần lớn công nhân lao động khi họ không có nhu cầu sở hữu nhà ở do không có thu nhập hoặc do đặc thù công việc. Đơn cử như tại Hà Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thí điểm dự án 244 căn cho thuê ở tỉnh và thu hút sự quan tâm của người lao động.

Nhìn nhận từ việc thí điểm ở Hà Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là bước đột phá để Tổng Liên đoàn Lao động có thêm bài học kinh nghiệm để tiến hành xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công nhân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích, với từng địa phương cần phải nghiên cứu kỹ để phát triển các loại hình nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân lao động. Khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM thì có tới 60% công nhân, lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà trọ với mức giá chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trước đó, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến việc “phải đặt mình vào địa vị những người chưa có chỗ ở để hành động".

Chính sách cần đột phá

Ông Trần Khánh Quang - TGĐ Công ty Bất động sản Việt An Hoà nhấn mạnh, nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ sẽ đáp ứng nhu cầu của đa số người dân có thu nhập thấp ở các đô thị. Nhu cầu thị trường là rất lớn song ở loại hình này vẫn không có nhiều doanh nghiệp tham gia do còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, lợi nhuận thấp.

Ông Lê Hữu Nghĩa - TGĐ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Lê Thành
Ông Lê Hữu Nghĩa - TGĐ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Lê Thành

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa - TGĐ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Lê Thành nhìn nhận, chính sách khuyến khích từ Nhà nước có vai trò quyết định để doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội nói chung và nhà ở xã hội cho thuê nói riêng. Chia sẻ từ thực tế triển khai, ông Nghĩa cho biết thêm dự án doanh nghiệp từ giai đoạn xin dự án đã mất rất nhiều thời gian, về quy trình dự án nhà ở xã hội cũng chưa có bước đột phá nào so với nhà ở thương mại.

Theo cách chuyên gia, để triển khai mô hình nhà ở xã hội cho thuê thì Nhà nước cũng cần rút gọn các thủ tục, các rào cản về Luật Đất đai và hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp tham gia đầu tư. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị rằng, cơ chế về nhà ở cho thuê phải thay đổi nhiều thứ hỗ trợ cho các chủ đầu tư tư nhân để họ tiếp cận được dòng vốn giá rẻ tạo ra nguồn lực để thực thi dự án.

Theo TS. Cấn Văn Lực, giải pháp nhà ở xã hội cho thuê là đúng nhưng chưa đủ mà nên có cả nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội để bán song quy hoạch phải rõ ràng.

Bàn về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia cho rằng, nhà ở xã hội hiện đang nghẽn cả cung và cầu. Do đó, phải gỡ được cả cung và cầu và nên rà lại chính sách nhà ở xã hội để phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Nếu áp dụng khung chung cho mọi địa phương, đô thị theo ông TS. Trần Du Lịch là không phù hợp. Cần phải có quỹ nhà cho thuê do Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện bởi cần làm rõ nhà nước có trách nhiệm lo chỗ ở cho người dân chứ không lo sở hữu nhà cho mọi người.

Sau khi bán một thời gian thì đến khi kiểm lại có đến 80% số người mua không còn ở nữa mà đã bán lại cho người khác
Sau khi bán một thời gian thì đến khi kiểm lại có đến 80% số người mua không còn ở nữa mà đã bán lại cho người khác

Các chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới, tại các văn bản dưới luật được ban hành đưa ra để thực thi luật mới vào cuộc sống cũng cần làm rõ định hình khung pháp lý với phân khúc nhà ở xã hội cho thuê.​/.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024