ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ tư, 07h00 06/03/2024

Mở rộng tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

(KDPT) - Tín dụng tiêu dùng đã trở thành một động lực quan trọng trong tăng trưởng. Năm 2024, các ngân hàng sẽ tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó việc này cũng nhằm mục tiêu xóa bỏ tín dụng đen.

Mở rộng tín dụng

Hiện nay, các ngân hàng đã thiết kế nhiều gói vay tiêu dùng với ưu đãi hấp dẫn, thủ tục vay đơn giản và ngày càng thuận tiện, hỗ trợ tối đa cho người dân. Đơn cử như Vietcombank, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Cường cho biết, Vietcombank trong năm 2024 sẽ định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mảng bán lẻ, trong đó dẫn đầu là cho vay tiêu dùng, mua nhà ở…

Vietcombank công bố chương trình triển khai cho vay trung và dài hạn, thời hạn tối đa là 30 năm, lãi suất cố định trong một thời gian nhất định, áp dụng từ tháng 1/2024. Đối tượng là người vay vốn để mua nhà, đất, ô tô hoặc đầu tư sản xuất kinh doanh… sẽ được chọn lãi suất ưu đãi cố định trong 18 tháng đầu.

Vietcombank trong năm 2024 sẽ định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mảng bán lẻ.

Tại ngân hàng SHB cũng đang triển khai chương trình “Vay ưu đãi - Rồng phát tài”, đối tượng là các khách hàng cá nhân, tổng hạn mức cho vay lên tới 18.000 tỷ đồng, giúp đáp ứng nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà, mua xe, tiêu dùng…). Lãi suất ưu đãi của chương trình này từ 6,79%/năm với tỷ lệ cho vay lên tới 90% tài sản bảo đảm, thời hạn đến 25 năm.

Theo lãnh đạo của SHB, các chương trình tín dụng ưu đãi mà ngân hàng này đang triển khai dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của các đối tượng, hơn nữa còn là một giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nóng rồi trả lãi suất cao trên thị trường…

Bên cạnh những ưu đãi về cho vay, các ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ, giải quyết quy trình phê duyệt khoản vay theo hướng thuận tiện nhất cho người dân. Đặc biệt là đẩy mạnh việc cho vay online, vay tín chấp đối với các khoản vay tiêu dùng.

Đối với VPBank, đại diện ngân hàng cho biết thời gian qua VPBank đã triển khai hình thức cho vay online, đối tượng khách hàng rất đa dạng. Khi vay trực tuyến, khách hàng không cần đến trực tiếp ngân hàng, việc tiếp cận các khoản vốn vay cũng rất dễ dàng, thuận lợi với thời gian nhanh hơn.

Nhà băng này cũng đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi dành cho khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; Ứng dụng sẽ cho phép khách hàng cá nhân vay mua ô tô ngay tại đại lý, kết quả phê duyệt sẽ trả về sau 5 phút…

Tiêu dùng nội địa trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, các chuyên gia đánh giá Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với các quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức tín dụng đẩy “mạnh tay” cho hoạt động cho vay trực tuyến trong thời gian tới, đặc biệt là khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được khai thác rất tốt.

Thúc đẩy hơn nữa cho vay tiêu dùng

Trong khi kích thích nhu cầu vay vốn trên cơ sở kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng phải lưu ý tới việc tiêu dùng nội địa trong những năm qua đã trở thành một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng cho vay.

Theo nhóm nghiên cứu của Maybank Investment Bank (MSVN), tình hình tài chính của người tiêu dùng Việt Nam rất lành mạnh. Kết quả khảo sát của Kantar trong quý III/2023 cho thấy, khu vực hộ gia đình không còn khó khăn về tài chính so với cuối năm 2022, tình hình đang dần khả quan hơn.

Ngoài ra, xét trên thu nhập của người lao động qua các khoản nộp thuế thu nhập cá nhân cũng chứng minh rằng không có sự thay đổi lớn nào trong xu hướng thu nhập cá nhân dài hạn. Thời gian qua, khoản tiết kiệm của người dân tăng cao hơn, đây sẽ là nền tảng hỗ trợ người tiêu dùng chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra phía trước.

Trong khi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định rằng, tài sản của người tiêu dùng Việt Nam đang trong giai đoạn gia tăng, tuy nhiên gần 80% dân số chưa hoặc tiếp cận chưa đầy đủ với các dịch vụ ngân hàng.

Mình chứng là Việt Nam đang có tiềm năng đáng kể để phát triển các kênh cho vay tiêu dùng chính thống, vốn vẫn trong thời kỳ mới phát triển, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Trên thực tế, thị trường trong thời gian gần đây cho thấy, thị trường Việt Nam thu hút các nhà đầu tư Châu Á nhiều hơn thông qua những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) của mảng tài chính tiêu dùng, nhằm khai thác tốt thị trường 100 triệu dân.

Thúc đẩy du lịch sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao, các ngành nghề sản xuất kinh doanh cũng phát triển.

Nhận định về năm 2014, Ngân hàng HSBC kỳ vọng du lịch quốc tế năm nay có thể đóng góp vào khoảng 4% GDP của Việt Nam. Khi du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng, các ngành nghề sản xuất kinh doanh cũng phát triển. Dữ liệu của HSBC, ước tính thông qua phân tích báo cáo tài chính của Top 4 ngân hàng lớn, cho thấy vốn có thể gồm các khoản vay cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo thống kê dữ liệu, nợ của hộ gia đình tăng mạnh từ 28% GDP lên 50% GDP trong giai đoạn 2013-2022. Với nhận định tích cực của một chuyên gia tài chính, nhu cầu vay tiêu dùng của các hộ gia đình Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng, nếu được tận dụng và khai thác có kiểm soát sẽ trở thành cơ hội để mở rộng tín dụng./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024