ISSN-2815-5823
Huyền Ngọc
Thứ tư, 10h12 06/03/2024

Người trẻ sớm đầu tư chứng khoán: Không thể chỉ trông chờ vào đồng lương

(KDPT) - Đối tượng tham gia đầu tư ngày càng trẻ hóa, khi ngay từ lúc còn đang đi học hay mới ra trường, người trẻ đã bắt đầu tiết kiệm, đầu tư, làm thêm để tích lũy kinh nghiệm giúp “tiền đẻ ra tiền”.

Trước khi trở thành các nhà đầu tư lâu năm, họ cũng từng là người mới như sinh viên, người đi làm, người kinh doanh… Việc đầu tư chứng khoán hiện nay đã trở nên rất phổ biến với hình thức đăng ký và giao dịch vô cùng đơn giản.

Tuy còn mới mẻ so với một số loại hình đầu tư khác, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng dần hấp dẫn hơn và hứa hẹn với nhiều lợi nhuận. Đầu tư chứng khoán cũng cần phải có kỹ năng để giúp nhà đầu tư nắm bắt được thời cơ của nền kinh tế đi lên.

Sinh viên hiện đại tìm hiểu về đầu tư chứng khoán từ rất sớm. (Ảnh minh họa)

Sinh viên đầu tư chứng khoán

Ngọc Ánh (1997) - nhân viên văn phòng lĩnh vực bảo hiểm, bắt đầu đầu tư từ năm 2019 khi đang đi thực tập. Cô biết tới chứng khoán khi còn là sinh viên nhưng vì chưa có tiền tích lũy nên chưa tham gia. Đến khi đi thực tập, có lương và tích góp được một khoản tiết kiệm từ thời sinh viên nên cô quyết định đầu tư để tích lũy kinh nghiệm.

Từ năm 2019, Ánh đầu tư vào cổ phiếu phổ thông, tới cuối năm 2021 đầu tư thêm quỹ mở. “Đầu tư quỹ mở thì mình nhàn hơn, không phải theo dõi sát sao tình hình cổ phiếu từng ngày và rủi ro cũng thấp hơn. Nhưng mức lãi suất kỳ vọng thấp hơn so với trực tiếp đầu tư cổ phiếu nên mình phân bổ đều hai bên”, cô nói.

Trong quá trình đầu tư, ban đầu Ngọc Ánh có thói quen mua bán khi cảm thấy đã đạt được mức lãi suất kỳ vọng. Nhưng tới những năm 2020-2021 vì ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Ánh quyết định chuyển sang đầu tư dài hạn. Điều này giúp cô vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đạt lãi suất tốt hơn, cũng tránh được rủi ro so với khi đầu tư ngắn hạn, lướt sóng.

Ngọc Ánh - nhân viên văn phòng lĩnh vực bảo hiểm, bắt đầu đầu tư từ năm 2019 khi đang đi thực tập.

Ngọc Ánh chia sẻ, lần cắt lỗ lớn đầu tiên là vào tháng 3/2020, hơn 30%, khi đó thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng từ đại dịch, cô cũng chưa có sự chuẩn bị tài chính tốt. Còn lần chốt lời lớn nhất là vào năm 2021, khi tài khoản tăng gấp đôi.

Trong khi đó, Hồng Diễm (1998) - nhân viên của một công ty truyền thông cho biết, cô đã đầu tư từ năm thứ tư đại học trong khi đi làm việc bán thời gian tại một công ty về đầu tư tài chính. Từ đó, cô đã nhận thức được sự cần thiết của việc học đầu tư tài chính.

Hiện tại cô đang đầu tư cổ phiếu phổ thông và chứng quyền. Cách đầu tư của cô bạn này là dành khoảng 80% vốn để đầu tư dài hạn, còn lại sử dụng để lướt sóng trong điều kiện thị trường hoặc mua các cổ phiếu có xu hướng tốt.

“Quan điểm của mình là để tiền đẻ ra tiền, mình sẽ không tốn nhiều thời gian vào việc nghe ngóng thông tin và đặt lệnh. Mục tiêu là đầu tư làm sao để có lãi hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Vì vậy, mình lựa chọn đầu tư dài hạn”, Hồng Diễm nêu quan điểm.

Xu hướng đầu tư chứng khoán năm 2024

Sau nhiều lần chốt lời và cắt lỗ, Hồng Diễm cũng rút ra được một số bài học khi đầu tư chứng khoán. Cô cho biết:

- Phải học được cách quản trị bản thân và quản trị vốn: Kiểm soát cảm xúc, lời không bị hưng phấn, còn lỗ thì không buồn, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới những quyết định đầu tư sau đó của bạn nhưng đây là bài học rất khó đối với người trẻ. Vốn không mạnh, đầu tư chỉ được vài mã thì sẽ dễ rơi vào tình trạng “được ăn cả, ngã về không”.

- Vốn phải được phân bổ phù hợp và tối ưu hóa khoản đầu tư: Hạn chế việc các mã lời không đủ bù lại vào các mã lỗ.

- Không được bỏ hết trứng vào một giỏ, cần đa dạng hóa danh mục đầu tư: Các khoản đầu tư rủi ro cao hơn như chứng quyền thì chỉ nên mua một lượng có thể chấp nhận sẽ mất hết.

- Tầm nhìn dài hạn: Quan trọng nhất là phải bổ sung thêm kiến thức, cái gì cũng phải học, nhất là việc đầu tư vì nó liên quan tới tiền bạc, tài chính của bản thân.

Hồng Diễm chia sẻ về bài học đầu tư của bản thân.

Đối với Ngọc Ánh, cô cho rằng ưu điểm lớn nhất khi đầu tư chứng khoán là có thêm kiến thức về tài chính, tích lũy kinh nghiệm. Nhất là khi tham gia đầu tư, Ánh còn hình thành được thói quen đọc báo, theo dõi tin tức nên cô hiểu rộng hơn rất nhiều.

Song, vì thời gian đầu còn non nớt, kiến thức không vững, tâm lý yếu nên việc đầu tư chứng khoán cũng ảnh hưởng khá nhiều tới cuộc sống. Ví dụ, cô bạn dành thời gian xem bảng điện nhiều hơn, làm sao nhãng công việc chính. Thậm chí, cô còn thấy nhiều bạn trẻ ban đầu dùng đòn bẩy tài chính từ sớm, tới khi thị trường rơi vào xu hướng xuống thì thua lỗ rất nhiều.

Ngọc Ánh chia sẻ góc nhìn về thị trường chứng khoán năm nay: “Mình thấy chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn 2007-2008 hoặc giai đoạn 2017-2018 là thời điểm có biến động mạnh, nhưng nhìn về dài hạn thì vẫn còn tiềm năng. Vì vậy, mình vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục trong năm 2024. Hiện tại kinh tế cũng có nhiều tín hiệu tích cực, nên mình tin rằng cuối năm nay chứng khoán sẽ trở lại”.

Còn với Hồng Diễm, cô cho rằng đầu tư chứng khoán dài hạn sẽ giúp nhà đầu tư có lãi ổn định hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Dù thị trường trong 2 năm qua rơi vào ảm đạm nhưng bắt đầu đầu tư càng sớm thì sẽ giúp bản thân có nền tảng vững chắc, hưởng thụ thành quả khi nền kinh tế khởi sắc, cùng với đó là sự gia tăng của giá cổ phiếu doanh nghiệp mà mình đã, đang và sẽ nắm giữ.

“Mình nghĩ sẽ không thể đi làm công ăn lương mãi được. Vì vậy phải biết cách đầu tư bền vững, có dòng tiền dài hạn từ đầu tư, khiến tiền đẻ ra tiền, đây là cách thụ động giúp mình giữ an toàn về tài chính trong vài chục năm nữa”, Hồng Diễm chia sẻ./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024