ISSN-2815-5823

Nhà nước sẽ trực tiếp thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách

(KDPT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024, theo nghị định Nhà nước sẽ trực tiếp đứng ra thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách.
Nhà nước sẽ trực tiếp thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách. (Ảnh minh họa)
Nhà nước sẽ trực tiếp thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách. (Ảnh minh họa)

Chỉ thu phí các tuyến cao tốc đủ điều kiện

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024 quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Về điều kiện thực hiện thu phí đối với các tuyến cao tốc, Nghị định quy định: Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được quyết định đầu tư sau ngày Luật Đường bộ có hiệu lực sẽ chỉ được thu phí khi được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, đường cao tốc phải hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Cùng đó, cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc phải xây dựng đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với các tuyến cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị thu phí; các công trình dịch vụ trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông và có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Cao Thắng, Trưởng phòng tài chính, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc triển khai thu phí đường cao tốc sẽ được thực hiện sau khi đã đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực thực hiện.

Cụ thể: Công trình đường bộ cao tốc đã hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trên tuyến cao tốc đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.

Ngoài ra, để triển khai thu phí, cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc phải lập Đề án khai thác tài sản trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt. Thời điểm thu phí và danh mục tuyến cao tốc triển khai thu phí sẽ được xác định cụ thể tại đề án.

Theo thống kê của Cục Đường bộ VN, hiện có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác gồm: Kim Thành - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong số 12 tuyến cao tốc trên, không phải tuyến nào cũng thu phí, những tuyến cao tốc 2 làn xe, có làn dừng khẩn cấp không liên tục như: Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Hòa Liên đã có chủ trương mở rộng lên 4 làn xe sẽ chỉ thu phí sau khi các tuyến cao tốc này được đầu tư nâng cấp, mở rộng đủ tiêu chuẩn đường cao tốc.

Nhà nước đứng ra thu phí

Nghị định 130/2024 cũng giao cơ quan quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc là cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.

Điều này có nghĩa là nhà nước sẽ trực tiếp đứng ra thu phí đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách.

Lý giải điều này, ông Đinh Cao Thắng cho biết, Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan được giao quản lý tài sản sẽ trực tiếp tổ chức quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý, khai thác theo quy định pháp luật.

Việc sẽ tổ chức thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí. Cơ quan quản lý thu sẽ đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và đơn vị vận hành hệ thống thu phí tại trạm thu phí. Công nghệ thu phí điện tử không dừng theo mô hình với đầu vào ETC đa làn tự do (không có barrier), đầu ra ETC đơn làn (có barrier), không có làn MTC.

Cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng Đề án khai thác tài sản theo Nghị định số 44/2024 trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt để đảm bảo công tác thu phí được triển khai ngay sau khi các điều kiện về hạ tầng giao thông và việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng thu phí hoàn thành./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024