Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, TS. Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhấn mạnh rằng, trong các bài viết và phát biểu quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra tư tưởng về "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Tư tưởng này đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định là một chủ trương, định hướng mang tính chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đây là nội dung quan trọng sẽ được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV và cần được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt, triển khai với quyết tâm chính trị cao.
Tuy nhiên, ông Lại Xuân Môn cho rằng đây là một vấn đề lớn, vừa mang tính lý luận vừa đòi hỏi thực tiễn, cần phải được nghiên cứu và luận giải cẩn trọng để đạt sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Hội thảo này là sự kiện đầu tiên thảo luận sâu về chủ đề này, đặt nền móng cho giới khoa học tiếp tục nghiên cứu và làm rõ thêm các vấn đề lý luận, thực tiễn về "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Gần 50 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã xoay quanh các nội dung trọng tâm như: nhận thức chung về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; các quan điểm sơ khởi về nội hàm và những trụ cột phát triển của “kỷ nguyên mới”...
Theo các đại biểu, trong kỷ nguyên mới, công tác lý luận và tư tưởng cần được triển khai với tư duy và cách tiếp cận đổi mới, không chỉ kế thừa những kinh nghiệm, tư duy đúng đắn đã tích lũy, mà còn mạnh dạn đổi mới, tiếp thu những tư duy mới, xu hướng phát triển của thời đại với tinh thần tiến bộ. Sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy chính là bước khởi đầu mang tính đột phá.
Các ý kiến và tham luận tại hội thảo đã đề xuất những giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện và triển khai hiệu quả hệ thống thể chế phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Các đại biểu nhấn mạnh cần kiên quyết xóa bỏ các rào cản, điểm nghẽn cản trở sự phát triển; khắc phục triệt để tình trạng thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, thông thoáng, tạo điều kiện đột phá trong việc thu hút và phát huy các nguồn lực phát triển.
Trong kỷ nguyên mới, Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức lãnh đạo, xây dựng một bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt ở cấp chiến lược, đảm bảo đội ngũ này đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ và bản lĩnh để dẫn dắt nhân dân tiến vào kỷ nguyên mới; đồng thời, phát huy tính Đảng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các nhà khoa học cũng đã thảo luận sâu về những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng chuyển đổi số, bao gồm phương thức sản xuất số và mối liên hệ giữa nó với nền kinh tế tri thức và phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, các ý kiến làm rõ mối quan hệ giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc chống lãng phí, cùng những giải pháp mạnh mẽ để đạt hiệu quả cao trong công tác này./.
- "Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2024" tổ chức tại Bra-xin và Ả-rập Xê-út: Hội tụ tinh hoa ngàn năm - Vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Chuyển đổi số là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
- Báo chí trong kỷ nguyên AI: Cơ hội đi cùng thách thức