“Nhuộm” áo dài Việt bằng sắc màu tuổi trẻ
Người giúp các bạn trẻ thực hiện album gồm gần 200 bức ảnh tuyệt đẹp này là nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Hoàng Vũ Linh (ngụ tại TX. Phước Long, Bình Phước). Kỹ năng chụp ảnh điêu luyện của Vũ Linh đã làm những bức ảnh trở nên đẹp lung linh, nổi bật vẻ đẹp của áo dài Việt.
Cùng tham gia chụp ảnh ngoại cảnh với nhóm bạn trẻ cả buổi sáng, anh Trần Quốc Duy – Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước hào hứng chia sẻ: “Hiện nay, trong kỷ nguyên hội nhập hóa toàn cầu, cần lưu tâm đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam để tránh nguy cơ dần bị mờ nhạt và mai một. Theo mình, mặc áo dài chính là tôn vinh, gìn giữ trang phục truyền thống của người Việt.”
“Đặc biệt, nên khuyến khích cả nam giới mặc áo dài trong những dịp phù hợp để ngày càng khẳng định vị thế của áo dài nam hiện có số phận “thăng trầm”, vốn ít phổ biến và dần bị lãng quên trong cuộc sống ngày nay. Mình đã bàn bạc, thống nhất cùng NTK Việt Hùng thực hiện nhiều phần việc để lan tỏa tình yêu áo dài Việt”, anh Duy tiếp lời.
Được biết, anh Duy rất say mê vẻ đẹp của áo dài Việt. Chính vì thế, trong hành trang của hàng chục chuyến giao lưu thanh niên quốc tế mà anh từng tham gia, không bao giờ thiếu vắng chiếc áo dài Việt dành cho nam giới.
Tháng 1 năm 2020, trong vai trò Trưởng đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự Chương trình giao lưu thanh niên quốc tế với Tổng đội thiếu sinh quân Ấn Độ và thanh niên, thiếu sinh quân của 9 quốc gia khác, anh Duy đã cất công mang 7 bộ áo dài Việt đẹp lộng lẫy để quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế tham gia Chương trình này và anh cảm thấy vô cùng vinh dự khi thực hiện sứ mệnh này.
Anh Duy kể rằng nhằm chung tay cùng tuổi trẻ Bình Phước tôn vinh nét đẹp của tà áo dài Việt và “tiếp sức” những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bão lũ, cuối tháng 11 năm 2020, NTK Việt Hùng đã cùng Tỉnh Đoàn Bình Phước, MC Quỳnh Hoa, Ca sĩ Quốc Đại, nhà văn Trần Trà My tổ chức Hành trình “Thương về miền Trung”, mang gần 500 bộ áo dài và hơn 600 triệu đồng để trao tặng cho các cô giáo và người dân miền Trung ruột thịt.
Bên cạnh đó, trong mùa dịch thứ 2, NTK Việt Hùng đã cùng Tỉnh Đoàn Bình Phước và Đoàn công tác xã hội vì cộng đồng Dự án Đại sứ áo dài Việt Nam gồm ca sĩ Quốc Đại, Hoa hậu quý bà duyên dáng Trịnh Vân Anh, Lê Bích Nhân – Á quân Đại sứ áo dài Việt Nam tổ chức Chương trình “Trao áo dài – Gửi yêu thương đến phụ nữ biên cương” tại 3 huyện vùng biên của tỉnh Bình Phước, qua đó trao tặng 103 bộ áo dài cho các nữ giáo viên ở những nơi này.
Sắp tới đây, NTK Việt Hùng sẽ phối hợp với phía tỉnh Bình Phước để thực hiện các hoạt động trao tặng áo dài, tổ chức liveshow áo dài và các chương trình giao lưu phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19.
Trên thực tế, từ bao đời nay, trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài và niềm tự hào về áo dài của hàng triệu người dân Việt Nam đã góp phần “tô đậm” hình ảnh áo dài trong đời sống xã hội.
Áo dài Việt Nam không chỉ là một loại trang phục dân tộc mà còn ẩn chứa cả một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý và quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức, tinh thần dân tộc của người Việt.
Qua nhiều thăng trầm, áo dài ngày càng trở thành trang phục đại diện cho bản sắc của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo và được thiết kế với nhiều mẫu cách tân để phù hợp với nhu cầu sử dụng trong xã hội hiện đại.
Từ xưa đến nay, không chỉ xuất hiện trong đời sống, áo dài luôn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sỹ Việt Nam và đã nhiều lần hiện diện trong thơ ca, phim ảnh, hội họa… Rất nhiều nhà thơ, nhạc sỹ đã lấy hình tượng chiếc áo dài làm chất liệu sáng tác.
Trải qua nhiều thời kỳ, vượt qua những giá trị thuần túy như một mặt hàng tiêu dùng, áo dài đã đạt đến tầm vóc mới khi trở thành sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là biểu tượng tinh hoa văn hóa Việt, hàm chứa vẻ đẹp tinh khiết của tâm hồn người dân Việt.
Không chỉ ở trong nước, áo dài đã được mang đến mọi quốc gia trên thế giới, tôn vinh vẻ đẹp của người Việt qua việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Tại nhiều nước, áo dài đã xuất hiện ở những sự kiện đặc biệt như các dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm quan trọng của Việt Nam. Giờ đây, áo dài không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người Việt mà còn đại diện văn hóa, bản sắc dân tộc Việt hướng ra thế giới.
Ngay trong từ điển Oxford, từ “Áo dài” vẫn xuất hiện nguyên bản thay vì dùng bất cứ một cái tên nào khác. Đó chính là sự khẳng định giá trị không thể lẫn vào đâu được của áo dài trong mắt bè bạn năm châu.
Bài: THẮNG TRÂN – Ảnh: VŨ LINH