ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 15h09 24/10/2023

Phần mềm công nghệ ERP hỗ trợ quản lý doanh nghiệp

(KDPT) - Trong thời kỳ kinh tế số, vai trò của hệ thống ERP ngày càng trở nên quan trọng trong quá trình vận hành và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp đều áp dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp để quản lý hoạt động kinh doanh của mình và xem đây là yếu tố then chốt, là chìa khóa cho sự thành công, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Vai trò của hệ thống ERP trong quản lý doanh nghiệp

Hiện nay, Việt Nam đã bước vào một giai đoạn hội nhập quốc tế sâu sắc và toàn diện hơn bao giờ hết. Quá trình hội nhập mang đến nhiều cơ hội đồng thời cũng mang đến những thách thức vô cùng lớn, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đa số các tập đoàn hàng đầu thế giới đều áp dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp để quản lý hoạt động kinh doanh của mình và xem đây là yếu tố then chốt, chìa khóa cho sự thành công của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp cận và áp dụng hệ thống ERP trong quá trình hoạt động doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phần mềm ERP mang đến nhiều giải pháp hữu ích cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Enterprise Resource Planning (ERP) là một thuật ngữ được dùng liên quan đến một loạt hoạt động của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp quản lý các hoạt động chủ chốt, bao gồm: Kế toán, phân tích tài chính, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, hoạch định và quản lý sản xuất, quản lý hậu cần, quản lý quan hệ với khách hàng. Mục tiêu tổng quát của hệ thống ERP là đảm bảo các nguồn lực thích hợp của doanh nghiệp như nhân lực, vật tư, máy móc và tài chính có sẵn với số lượng đủ khi cần, bằng cách sử dụng các công cụ hoạch định và lên kế hoạch.

Với ERP, mọi hoạt động của một công ty, từ quản trị nguồn nhân lực, quản lý dây chuyền sản xuất và cung ứng vật tư, quản lý tài chính nội bộ, đến việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm, trao đổi với đối tác, khách hàng… đều được thực hiện trên một hệ thống duy nhất. Hệ thống ERP được xem là một giải pháp quản trị doanh nghiệp thành công nhất trên thế giới hiện nay. Nếu triển khai thành công hệ thống ERP, chúng ta sẽ có thể tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và thêm cơ hội để phát triển vững mạnh.

Triển khai thực tế hệ thống ERP đến doanh nghiệp

Vừa qua, tại chương trình “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế hệ thống ERP và giới thiệu Smart Factory cho doanh nghiệp SME thương mại và sản xuất”, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những ý kiến đóng góp cho việc triển khai hệ thống ERP đến các doanh nghiệp.

Bà Trần Yến Châu – COO Daviteq cho biết: “Với ERP, mọi hoạt động của một doanh nghiệp từ quản trị nguồn nhân lực, quản lý dây chuyền sản xuất và cung ứng vật tư, quản lý tài chính nội bộ, đến việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm, trao đổi với đối tác, khách hàng đều được thực hiện trên một hệ thống. Nếu triển khai thành công hệ thống ERP, doanh nghiệp sẽ có thể tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh và thêm cơ hội để phát triển vững mạnh”.

Trước hết, ERP tính toán và dự báo các khả năng có thể phát sinh trong quá trình điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, ERP giúp nhà máy tính toán chính xác kế hoạch cung ứng nguyên vật liệu cho mỗi đơn hàng dựa trên tổng nhu cầu nguyên vật liệu, tiến độ, năng suất, khả năng cung ứng. Cách làm này cho phép doanh nghiệp luôn có đủ vật tư sản xuất mà vẫn không để lượng tồn kho quá lớn gây đọng vốn.

Hệ thống giải pháp ERP còn là công cụ hỗ trợ trong việc lên kế hoạch cho các nội dung công việc, nghiệp vụ cần thiết trong quá trình sản xuất kinh doanh như hoạch định chính sách giá, chiết khấu, các hình thức mua hàng, hỗ trợ tính toán ra phương án mua nguyên liệu, tính được mô hình sản xuất tối ưu. Đây là biện pháp giúp doanh nghiệp giảm thiểu sai sót trong các xử lý nghiệp vụ, hình thành nên các quy trình xử lý nghiệp vụ mà mọi nhân viên trong doanh nghiệp phải tuân theo.

PGS.TS Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hoá Thành phố Hồ Chí Minh (HAuA) chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm riêng. Việc quản trị doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng những công cụ có tính mở sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, thích ứng với xu thế hội nhập. Đặc biệt, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại không chỉ đáp ứng nhu cầu tế của của doanh nghiệp mà còn phát huy hiệu quả ở mọi công đoạn sản xuất của doanh nghiệp”.

PGS.TS Lê Hoài Quốc – Chủ tịch Hội Tự động hoá Thành phố Hồ Chí Minh (HAuA)

Với hệ thống phần mềm thống nhất, đa năng, quán xuyến mọi lĩnh vực hoạt động từ kế hoạch hóa, thống kê, kiểm toán, phân tích, điều hành, hệ thống ERP giúp theo dõi, quản lý thông suốt, tăng tính năng động, đảm bảo cho doanh nghiệp phản ứng kịp thời trước những thay đổi liên tục của môi trường bên ngoài. Việc triển khai thành công ERP sẽ tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, đem lại cho doanh nghiệp lợi ích lâu dài.

Triển khai hệ thống ERP, mọi hoạt động của doanh nghiệp sẽ do phần mềm máy tính hỗ trợ và thực hiện các quy trình xử lý một cách tự động hoá, giúp cho các doanh nghiệp quản lý các hoạt động then chốt từ kế toán, phân tích tài chính, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, hoạch định và quản lý sản xuất, quản lý quan hệ với khách hàng, quản lý nhân sự, theo dõi đơn hàng, quản lý bán hàng. Mục tiêu tổng quát của hệ thống này là đảm bảo các nguồn lực thích hợp của doanh nghiệp như nhân lực, vật tư, máy móc và tiền bạc có sẵn với số lượng đủ khi cần, bằng cách sử dụng các công cụ hoạch định và lên kế hoạch.

Hệ thống ERP là một công cụ giúp tổ chức tối ưu hóa quản lý thông tin và tài nguyên để đạt được hiệu quả vận hành trong thời đại số. Tuy nhiên, triển khai ERP không phải lúc nào cũng đơn giản, quá trình này cũng tồn tại các thách thức đòi hỏi doanh nghiệp cần có kế hoạch triển khai cẩn thận và sự cam kết từ toàn bộ tổ chức.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024