ISSN-2815-5823
TƯ NGUYỄN
Thứ bảy, 11h13 04/11/2023

Phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Tràng An

(KDPT) - Ngày 3/11, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình; đại diện các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trong vùng lõi Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An còn khoảng trên 100 nếp nhà cổ, phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân (huyện Hoa Lư). Các nhà cổ có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và là một tài nguyên độc đáo cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, đa số các nhà cổ đã xuống cấp, có nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời. Ninh Bình cũng mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, khác biệt từ giá trị những ngôi làng truyền thống; kéo theo việc bảo tồn, phát huy hiệu quả bền vững Di sản, xứng đáng là mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo diễn ra gồm 2 phiên: “Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An - Kinh nghiệm quốc tế và “Xây dựng tiêu chí và định hướng phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”. Hội thảo nhận được 20 báo cáo tham luận, trong đó có nhiều tham luận được trình bày tại Hội thảo như “Bảo tồn kiến trúc truyền thống từ góc nhìn di sản văn hoá làng”; “Đánh giá các di sản kiến trúc và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn để tạo lập tiềm năng khai thác du lịch”; “Ngôi nhà truyền thống trong không gian sinh kế và môi trường sinh thái trong vùng lõi Di sản Tràng An”; “Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản kiến trúc nhà ở truyền thống (vận dụng cho vùng lõi di sản thế giới Tràng An)”; “Xây dựng bộ nguyên tắc (tái) phát triển bền vững kiến trúc cảnh quan làng truyền thống trong vùng di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An”; “Sử dụng GIS trong quản lý di tích và các công trình kiến trúc có giá trị trong vùng di sản”...

Nhiều ý kiến góp ý, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, cho rằng cần xây dựng tiêu chí, lập danh mục các nhà ở truyền thống trong khu vực vùng lõi Di sản; tạo lập cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa nông thôn khai thác phục vụ phát triển du lịch dựa trên bản sắc đặc trưng riêng có của Di sản; kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thu hút du khách về tham quan Di sản...

Đặc biệt Ninh Bình đang hướng tới xây dựng “Đô thị Cố đô - Di sản” nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản, của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người tại Quần thể danh thắng Tràng An làm nổi bật giá trị toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan và văn hóa.

Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng đã nêu bật các giá trị của Ninh Bình, là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng. Nơi đây chứa đựng một kho thông tin nguyên vẹn về truyền thống cư trú của loài người qua hàng ngàn năm biến đổi địa chất, địa mạo cùng với quá trình thích ứng và tiến hóa của con người tại Tràng An.

Nổi bật trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An vẫn lưu trữ mạch bản sắc văn hóa dân tộc, cội nguồn kiến trúc truyền thống, là cái nôi lưu giữ nền văn hóa lúa nước, khởi đầu từ việc khai thác nguồn sinh dưỡng săn bắn, hái lượm từ rừng và biển họ đã bắt đầu biết canh tác nông nghiệp.

Đặc biệt, Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, được nhiều du khách quốc tế lựa chọn trải nghiệm khi đến Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng khẳng định, Hội thảo đã chia sẻ các phương thức tiếp cận mới, các báo cáo khoa học, làm rõ hơn công tác nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản. “Những bài học kinh nghiệm trên thế giới và Việt Nam sẽ góp phần bảo tồn giá trị thiên nhiên, văn hóa trong khu vực vùng lõi của Di sản. Đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư, nghiên cứu khoa học, bảo tồn để phục vụ việc tham quan du lịch, tạo sự hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch tại khu Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung”.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine