ISSN-2815-5823
HUY HOÀNG
Thứ tư, 14h38 17/01/2024

Phát huy nguồn lực trí thức và doanh nhân kiều bào góp phần phát triển đất nước

(KDPT) - Phát huy nguồn lực trí thức và doanh nhân kiều bào ngày càng được Đảng và Nhà nước coi trọng, góp phần phát triển đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp vừa được tổ chức tại Hải Phòng gần đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và áp lực, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với truyền thống chịu thương chịu khó, bản lĩnh và ý chí vươn lên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nơi mình sinh sống, bà con kiều bào luôn hướng về quê hương, đóng góp cho đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau, từ tri thức, kinh nghiệm quản lý đến nguồn lực vật chất. Vì vậy, huy động nguồn lực kiều bào, góp phần phát triển đất nước luôn được quan tâm, coi trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với kiều bào tiêu biểu dự Chương trình Xuân Quê hương 2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, thực sự đã trở thành một nguồn lực quý, giàu tiềm năng, có thể đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển đất nước ta phồn vinh, giàu mạnh.

Từ 2,7 triệu người năm 2003, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, với tốc độ tăng trưởng nhanh (khoảng 5%/năm), độ bao phủ rộng (kiều bào hiện đang sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, trên 80% ở các nước phát triển). Đây là nguồn lực rất quan trọng đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Hội nghị Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Nguồn lực từ kiều bào được thể hiện ở nhiều lĩnh vực rất quý báu. Nổi bật là nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12%, tương đương khoảng 600.000 người. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao như công nghệ thông tin, chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng...

Lực lượng lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc khoảng 130.000-150.000 người mỗi năm, đóng góp về tài chính và trở thành nguồn nhân lực cho đất nước khi trở về với kỹ năng nghề, kinh nghiệm sau thời gian được rèn luyện ở môi trường nước ngoài.

Bàn về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phân tích, các ngành điện tử, sinh học, y học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương… đều có sự tham gia tích cực của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam chưa thực sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày, ít người về làm việc lâu dài, chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ. Những điểm sáng về chính sách vĩ mô vẫn khó thực thi hiệu quả.

Riêng về nguồn lực kinh tế, doanh nhân người Việt có tiềm lực kinh tế và có ảnh hưởng ngày càng tăng không chỉ đối với cộng đồng mà cả đối với chính quyền sở tại. Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chính là lực lượng tích cực nhất trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nhiều nước ở Châu Âu, Mỹ, Úc… hình thành mạng lưới phân phối với nhiều trung tâm thương mại, tổ chức hoặc hội doanh nghiệp theo ngành nghề, đặc biệt những mặt hàng thế mạnh như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Thống kê đến cuối năm 2022 cho thấy, kiều bào từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 385 dự án FDI tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.

Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

Đặc biệt hơn cả là về “nguồn lực mềm". Kiều bào ở các nước ngày càng hội nhập sâu vào xã hội sở tại, có vị thế vững chắc hơn, tham gia vào hệ thống chính trị ở các cấp độ khác nhau như nghị sỹ Liên bang, Tiểu bang, Hội đồng thành phố. Số người Việt Nam, gốc Việt tham gia, giữ vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế cũng có xu hướng tăng lên. Đây chính là tiền đề quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với nhân dân, chính giới, lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024