Sản phẩm chuối mít an toàn, nổi tiếng của núi rừng Khánh Sơn

Sự thành công không chỉ dừng lại ở doanh thu bán hàng, mà đó là sự đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm an toàn cho hàng ngàn người tiêu dùng địa phương và du khách đến Nha Trang. Một phiên chợ mà cả kẻ bán, lẫn người mua đều hòa chung tâm trạng phấn khích, tự tin, thoải mái,…

Nhiều quy định khắt khe cho người bán
Theo ông Nguyễn Sanh Đương – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại – Sở Công Thương Khánh Hòa: “Để đảm bảo đúng chủ đề phiên chợ thực phẩm an toàn, các đơn vị tham gia phải chấp hành đúng các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Phiên chợ đầu tiên này chúng tôi đã thiết kế và triển khai thực hiện khá sớm, vì gần như chúng tôi phải kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi mời và duyệt hồ sơ. Chúng tôi đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các phòng chuyên môn của Sở Công Thương để lựa chọn, vận động các đơn vị có đủ điều kiện, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm tham gia phiên chợ. Tiêu chí đặt ra, không chỉ là chú trọng giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao mà còn kích cầu tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; không chỉ hỗ trợ nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, mà còn giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng thực phẩm địa phương đạt chất lượng, trang bị kiến thức phân biệt hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng,…”.
Vì vậy, phiên chợ “Thực phẩn an toàn” chỉ với quy mô gần 60 gian hàng của 48 tổ chức sản xuất kinh doanh. Song, sức mua bán mỗi ngày và tinh thần tham gia của người mua, kẻ bán tại phiên chợ một lần nữa đã khẳng định nhu cầu “khát thực phẩm an toàn” của người tiêu dùng.

Sản phẩm cà phê sạch của Công ty Cà phê DakBaz được đông đảo người tiêu dùng quan tâm

Trước thực trạng gian thương sản xuất cà phê trộn pin con ó, nguy cơ gây bệnh ung thư cho người dùng, ông Hồ Văn Thanh – Giám đốc Công ty Cà phê Dakbaz, chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê, đến từ tỉnh Đắk Lắk tự tin chia sẻ: “Từ trước đến giờ, sản phẩm của chúng tôi tham gia nhiều hội chợ, nhưng chưa hội chợ nào có những quy định chặt chẽ như lần này. Ban tổ chức không chỉ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trên văn bản, mà còn kiểm tra trực tiếp ở cơ sở, kiểm tra trên sản phẩn. Tuy nhiên, chúng tôi lại cảm thấy phấn khích hơn, vì tiêu chí của hội chợ cũng đồng hành với tiêu chí sản xuất kinh doanh cà phê của chúng tôi (không tẩm, không pha trộn, không chất bảo quản). Chỉ nửa ngày sau đêm khai mạc, chúng tôi đã bán trên 1/3 sản phẩm mang đến hội chợ. Tôi rất vui mừng khi được tham gia hội chợ này, vì mình có cơ hội mang sản phẩm cà phê sạch đến cho người tiêu dùng…”.
Tại phiên chợ thực phẩm an toàn, nhiều thực phẩm tươi sống được đông đảo người mua như các chợ phiên ở vùng quê xa xưa. Sức bán mạnh nhất có thể kể đến là gian hàng thịt heo tươi sống. Ông Phạm Hùng Long – Giám đốc Công ty TNHH Long Phát Khánh Vĩnh cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên trồng trọt và chăn nuôi. Chủ yếu là chăn nuôi heo. Quy trình sản xuất kinh doanh thịt heo của công ty được bảo đảm theo quy định VietGap từ quy trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, đến khi ra thị trường không bị nhiễm khuẩn và hạn chế tối thiểu tái nhiễm khuẩn. Lần đầu tiên được tham gia phiên chợ đặc biệt này, chúng tôi rất phấn khởi. Đặc biệt, chỉ trong ngày đầu tiên, công ty đã bán gần 300kg thịt heo và hầu hết người tiêu dùng đều mua rất nhanh, không ngần ngại; giá cả chúng tôi bán bằng giá thị trường chợ truyền thống. Và chúng tôi thấy mình xứng đáng với lòng tin của khách…
Với sức bán trung bình mỗi ngày tại phiên chợ thực phẩm an toàn lần đầu tiên được tổ chức tại Nha Trang – Khánh Hòa sấp xỉ 400 triệu đồng, hầu hết người sản xuất kinh doanh tham gia phiên chợ càng trân trọng hơn những quy định nghiêm ngặt dành cho người bán. Bởi, điều đó gần như giấy thông hành để các “sản phẩm sạch” đến với lòng tin của người tiêu dùng.

Cần nhiều hơn những phiên chợ như thế
Hiện nay, vấn nạn thực phẩm không an toàn đã trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết người tiêu dùng. Phiên chợ thực phẩm an toàn tại Nha Trang – Khánh Hòa đã đáp ứng được phần nào nhu cầu “khát thực phẩm sach” của người dân. Tuy nhiên, với quy mô 66 gian hàng, thời gian 4 ngày 3 đêm của phiên chợ chỉ mới đáp ứng nhu cầu một phần cho người tiêu dùng tại trung tâm thành phố Nha Trang. Đông đảo người dân vùng ven và các huyện lân cận chưa được tiếp cận mua sắm tại đây.
Chị Nguyễn Thị Huệ ở thị trấn Diên Khánh bộc bạch: “Thịt, cá, mắm, tui có thể mua ở chợ quê. Nhưng còn nhiều sản phẩm thực phẩm khác tui hạn chế mua, nhưng khi sắp xếp đến được đây thì chợ đã tan”.

Xoài tươi và bánh tráng xoài Cam Lâm

Bạn Võ Thị Mỹ Linh, ở xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh chia sẻ: “Nhờ làm việc tại thành phố Nha Trang nên em đã đi chợ thực phẩm an toàn ngay ngày đầu tiên. Rất hay, rất vui và đặc biệt là yên tâm mua sắm. Lâu lắm rồi em mới có cảm giác đi chợ mua sắm mà không lăn tăn lo ngại gì cả. Em nghĩ, cảm giác đó sẽ có ở nhiều người tiêu dùng đến đây chứ không phải một mình em…”.
Cùng quan điểm, bà Huỳnh Thị Kim Hạnh ở Phương Sài – Nha Trang bộc bạch: “Gia đình chúng tôi luôn chú trọng tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thế nhưng, gần đây chính hàng Việt lại càng lúc càng độc hại không lường. Tôi thiết nghĩ, chỉ có luật pháp kỷ cương nghiêm khắc mới đủ tính răn đe, ngăn chặn họ làm xấu, hại biết bao người. Nhiều lúc chúng tôi gần như mất hết lòng tin, ăn gì cũng bất an, tự làm hoặc đặt người thân ở quê làm. Nay đi được phiên chợ này, biết rõ quy trình sạch của thịt heo, mua thoải mái…”.
Có thể nói, sức mua, sức bán ở phiên chợ thực phẩm an toàn và những bức xúc của người tiêu dùng như hồi chuông báo động về tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan và nhu cầu khát thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Phiên chợ thực phẩm an toàn còn được xem như một kênh quảng bá hữu hiệu cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Nên chăng, các nhà quản lý cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, tạo điều kiện cho thực phẩm sạch đến nhiều hơn với người tiêu dùng; hỗ trợ người tiêu dùng, trang bị nhiều hơn kiến thức phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,…

Theo: baocongthuong.com.vn