Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới bởi diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, cùng đó là chi phí đầu vào tăng cao, tình trạng thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp đã gặp khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

Do đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp có sức lan tỏa, tạo sự đột phá là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Đại biểu cho rằng để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, nhằm khơi thông lại mạch máu của nền kinh tế vốn đang bị tắc nghẽn do COVID-19.

Về bố trí vốn, giải ngân nguồn kinh phí lớn trong thời gian rất ngắn, đại biểu đoàn Trà Vinh đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cùng với đó, lựa chọn đối tượng hỗ trợ khi áp dụng gói chính sách này, để phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, tránh dàn trải cho các ngành, lĩnh vực không cần thiết ngay tại thời điểm này.

“Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt quan tâm nâng mức hỗ trợ tốt hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế phát triển, xây dựng các công trình thủy lợi mang tính cấp thiết…,” đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, đây là gói bổ sung ngoài khuôn khổ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu. Dư địa chính sách tiền tệ ở chương trình này ít, chủ yếu dựa vào chính sách tài khóa.

Khi đưa tiền ra qua chính sách tài khóa, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách tiền tệ, vì bản chất chính sách tiền tệ là ngắn hạn theo sát diễn biến của kinh tế, mục tiêu đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với vấn đề giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đây là vấn đề mà doanh nghiệp và Đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Đối với ngành ngân hàng thì đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. “Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tập trung giảm nhanh 3 lần so với lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1% vào năm 2021, tiếp tục giảm khoảng 0,8%” – đại biểu Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Đề nghị bổ sung thêm quan điểm bảo đảm cân bằng và bình đẳng trong thực hiện chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – đoàn Tiền Giang cho rằng, đại dịch Covid-19 có tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân, tuy nhiên có tác động lớn hơn tới một số nhóm đối tượng, địa phương, ngành, lĩnh vực như người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già, người lang thang cơ nhỡ, các lao động phi chính thức…

Những ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động nặng nề hơn bởi dịch bệnh như ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách mà trong báo cáo của Chính phủ đã phân tích; những tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của dịch bệnh như TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác cần phải có những giải pháp và nguồn lực hỗ trợ kịp thời.

“Để chương trình thực sự đạt được mục tiêu tạo động lực để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và không để ai, nhóm nào, ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thì một quan điểm quan trọng là công bằng, bình đẳng” – Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến các đại biểu nhất trí cần thiết có chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên theo ông, các đại biểu cũng lưu ý việc tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi, lãng phí, thất thoát, tiêu cực, trục lợi chính sách và đảm bảo các cân đối vĩ mô, an toàn, an ninh tiền tệ và an toàn tài chính quốc gia và phát triển bền vững.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu đầy đủ các ý kiến để xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này để trình Quốc hội xem xét thông qua,” Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh thêm.

DUY KHÁNH