ISSN-2815-5823
NAM KHÁNH
Thứ hai, 15h21 19/02/2024

Quảng Ninh: Khai hội Xuân Yên Tử năm 2024

(KDPT) - Sáng 19/2 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Cung Trúc Lâm thuộc Khu di tích, danh thắng Yên Tử ( Quảng Ninh), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp UBND TP. Uông Bí (Quảng Ninh) tổ chức khai hội Xuân Yên Tử 2024.

Tham dự lễ Khai hội có: GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Cao Tường Huy - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Lễ hội Xuân Yên Tử diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ôn lại huyền thoại non thiêng Yên Tử.

Lễ khai hội Yên Tử được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật, trong đó ôn lại huyền thoại của non thiêng, cội nguồn lịch sử Thiền phái Trúc Lâm, công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông… Bên cạnh đó, du khách, phật tử còn được theo dõi các nghi lễ như: Gióng trống, thỉnh chuông; chúc phúc đầu năm; cầu quốc thái dân an; đóng dấu thiêng Yên Tử…

Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, Hội Xuân Yên Tử năm nay có các hoạt động văn hoá đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng; các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống, trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử...

Các đại biểu tham dự khai hội.

Điểm mới của hội xuân năm nay đó là chương trình khai hội được tổ chức tại Cung Trúc Lâm thuộc Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 250 tỷ đồng, được tổ chức khánh thành vào đúng dịp đại lễ 715 năm ngày đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Đây là công trình văn hóa tâm linh có giá trị lớn, có kiến trúc truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Yên Tử với giá trị đầu tư khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Đông đảo tăng ni, Phật tử tham dự khai hội.

Phát biểu tại lễ khai hội, ông Phạm Tuấn Đạt - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Uông Bí nhấn mạnh, Yên Tử là nơi địa linh, phúc địa của quốc gia, là nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại đức vua Trần Nhân Tông và công lao to lớn của ông với đất nước qua hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược.

Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng ấy, khi đất nuớc đã thanh bình, Ngài đã rời bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho con là Vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy gióng trống khai hội.

Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đạo và Đời luôn hoà quyện, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển trường tồn của Đất nước. Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc lâm và Trần Nhân Tông chính là Đức Phật Hoàng của đất nước Việt Nam.

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt, chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt ngàn đời, bởi nơi đây ông cha ta đã để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt. Tinh thần phật giáo của Thiền Phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa Đời và Đạo, lấy Đạo để xây Đời và qua Đời để dựng Đạo.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ đóng dấu thiêng Yên Tử tại lễ khai hội.

Vì lẽ đó Yên Tử luôn được xem là kinh đô của Phật Giáo Việt Nam, là “đất Phật”, là “cõi thiêng ngàn năm”, chốn hành hương, hội tụ của hàng triệu du khách, nhân dân và Phật tử mỗi năm về tham quan lễ Phật.

Với những giá trị văn hóa tinh thần to lớn đó, ngày nay, Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà là của cả dân tộc.`

Được biết trong 9 ngày tết Nguyên đán Giáp Thìn, Khu di tích, danh thắng Yên Tử đã đón số lượng khách du xuân, chiêm bái lễ Phật là hơn 140.000 lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024