ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ năm, 10h10 22/02/2024

Quảng Ninh tạo bứt phá trong ứng dụng khoa học công nghệ

(KDPT) - Khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được xác định giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới ở nước ta, là nguồn lực không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa và từng bước hội nhập nền kinh tế tri thức. Vì vậy, trong những năm qua, từ chủ trương và nhận thức đúng, có tầm nhìn chiến lược, Quảng Ninh đã và đang chú trọng đầu tư cho KH&CN tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Thành tựu nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ của ngành y tế Quảng Ninh

Trong những năm qua, với định hướng và chủ trương trong các chính sách được ban hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã xác định KH&CN là vấn đề hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nắm bắt, theo sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước

Từ năm 2012 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số Nghị quyết, kế hoạch để thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo. Bám sát các Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 05/5/2012, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 về phát triển khoa học và công nghệ; nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nắm bắt và theo sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND ngày 02/6/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các Nghị quyết, quyết định nêu trên đã là “kim chỉ nam” cho tỉnh Quảng Ninh có những bứt phá trong hoạt động đổi mới khoa học, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, hiệu quả trong tình hình mới.

Qua 11 năm thực hiện các nghị quyết, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật: Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các thành phần kinh tể, cộng đồng xã hội và nhân dân vê vai trò, vị trí của khoa học công nghệ được nâng lên rõ rệt. Tiềm lực khoa học và công nghệ được tăng cường; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo được thúc đẩy, lan tỏa trong xã hội; việc huy động nguồn lực dành cho hoạt động khoa học và công nghệ được quan tâm.

Xây dựng và phát triển khoa học công nghệ tỉnh Quảng Ninh là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ được tăng cường. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới khoa học và công nghệ được triển khai mạnh mẽ. Nhiều nhiệm vụ, đề tài, dự án, đề án khoa học và công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngành than và một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mạnh dạn đổi mới, ứng dụng nhiều công nghệ mới mang lại hiệu quả cao. Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước được chú trọng. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong các cơ quan quản lý, nghiên cứu giảng dạy, các doanh nghiệp được quan tâm, bước đầu phát triển ở một số lĩnh vực, ngành nghề.

Trong quá trình phát triển của tỉnh những năm qua, KH&CN đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo không những đúng với định hướng của trung ương, phù hợp thực tế Quảng Ninh mà còn mang tầm nhìn phát triển của địa phương và đất nước, thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Đại hội lân thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng, nhất là Chiến lược quốc gia về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Cho đến nay, Quảng Ninh đang đẩy mạnh chuyến dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền Quảng Ninh, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một sô ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; khoa học. Công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Tạo bứt phá nhờ ứng dụng KH&CN đổi mới sáng tạo

Chính nhờ những chủ trương, chiến lược đúng đắn, được điều chỉnh, đổi mới phù hợp đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các hoạt động KH&CN, đem lại một số kết quả nổi bật cho tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh, một trong những kết quả nổi bật của công tác phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh chính là xây dựng chính quyền điện tử tỉnh. Đến nay, hạ tầng cốt lõi của Chính quyền điện tử cơ bản đã hoàn thành theo mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành. Hiện nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên địa bàn tỉnh đạt trên 90% (1.552 trung tâm hành chính). Hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. Tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã quản lý và điều hành, tác nghiệp trên hệ thống phần mềm điện tử. Từ năm 2017 đến năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về chỉ số PCI, PAR INDEX ...

Kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được chuyển giao kịp thời giúp các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng và làm chủ 50 quy trình kỹ thuật sản xuất. Các nhiệm vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống đáp ứng nhu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững; hình thành các vườn vật liệu cung cấp cây giống từ các nguồn giống được công nhận. Các sản phẩm nông sản tiếp tục được hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc (lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều, trà hoa vàng, chè Đường Hoa, mực Cô Tô, sá sùng, chả mực Hạ Long, vải chín sớm Phương Nam, na dai Đông Triều...) đã giúp tăng giá bán bình quân 15-20%; bảo đảm điều kiện phân phối trong các siêu thị lớn (GoViet, Winmart) và trên các chợ thương mại điện tử; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Cùng với đó, các nhiệm vụ khoa học trong lĩnh vực y tế đã tập trung chuyển giao công nghệ từ các bệnh viện tuyến Trung ương giúp các bệnh viện tuyến tỉnh làm chủ kỹ thuật mới trong khám và điều trị góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương: Ứng dụng hệ thống Telemedicine (y học từ xa) vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh với 30 điểm cầu; ứng dụng thành công, làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi vô sinh và soi buồng tử cung trong chẩn đoán và điều trị vô sinh; ứng dụng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong điều trị vô sinh tại Bệnh viện Sản Nhi; ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật tim hở và phẫu thuật mạch máu đã điều trị thành công trên 48 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong hỗ trợ tim phổi cho bệnh nhân nặng đã hỗ trợ điều trị kịp thời các bệnh nhân Covid-19 nặng; ứng dụng công nghệ điều trị chấn thương sọ não nặng trở thành kỹ thuật thường quy tại bệnh viện, mỗi năm mổ thành công cho hơn 20 bệnh nhân tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ngoài ra, các lĩnh vực chuyển đổi số, du lịch, kinh tế biển cũng được ứng dụng KH&CN hiệu quả, nhanh chóng nắm bắt xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững.

Ảnh minh họa

Nhìn lại chặng đường vừa qua, có thể thấy, các cơ chế chính sách có vai trò quan trọng thúc đẩy, huy động tốt nguồn lực đầu tư, từng bước nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, số cán bộ nghiên cứu khoa học đạt 13 người trên vạn dân; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh xếp thứ 4; hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều và Đầm Hà; thành lập, đầu tư xây dựng Trường Đại học Hạ Long và thu hút 6 cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn (2 trường đại học và 4 trường cao đẳng); phát triển 22 tổ chức khoa học và công nghệ; hình thành 23 doanh nghiệp KH&CN (đứng thứ 4 toàn quốc); hệ thống các bệnh viện với trang thiết bị hiện đại, nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ xây dựng 39 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS, 4 phòng nuôi cấy mô hiện đại; các dự án đầu tư tập trung công nghệ mới, hiện đại.

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh Quảng Ninh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 565 sản phẩm, trong đó: có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn tỉnh được ứng dụng KH&CN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Điển hình trong thành công nhờ ứng dụng KH&CN có thể kể đến các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP. Cẩm Phả). Từ năm 2020, với sự quan tâm hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh và sự chủ động đầu tư lớn với tổng vốn hàng chục tỷ đồng, đơn vị đã cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất. Đến nay, các sản phẩm tiêu biểu của công ty như: trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng... trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.

Từ năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã có thêm 3 đề án với nguồn hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng hỗ trợ hiện đại hóa sản xuất, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, các sản phẩm OCOP: trang bị hệ thống trao đổi nhiệt và xúc, rửa, chiết rót tự động cho sản phẩm sữa Đông Triều và nước khoáng Công đoàn Quang Hanh; hệ thống rửa hàu tự động nâng sản lượng cho sản phẩm ruốc hàu Vân Đồn. Trong đời sống xã hội, các hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều công nghệ mới, hiện đại trên nền tảng thiết bị di động như mobile banking, thanh toán trực tuyến… đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi số. Nhiều khách sạn, công ty du lịch, lữ hành đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kinh doanh như mua bán tour, đặt phòng trực tuyến, vận hành các phần mềm để quản trị văn phòng, tài chính… Hệ thống các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại, công nghệ AI vào khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp KH&CN đến các lĩnh vực

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, “Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng” theo yêu cầu Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 28/4/2023, theo ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh cho biết thời gian tới ngành KH&CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất là tập trung tham mưu triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ hai là tiếp tục rà soát, trình ban hành một số cơ chế, chính sách đủ mạnh và phù hợp để khuyến khích phát triển hoạt động KH&CN; huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển, nâng cao tiềm lực KH&CN và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN tỉnh.

Thứ ba là hoàn thiện, trình phê duyệt các dự án, đề án, chương trình KH&CN trọng tâm: Đề án nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công các đơn vị sự nghiệp KH&CN; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; Chương trình phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Khu trình diễn, giới thiệu, mô hình, thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, lưu trữ nguồn gen tại Tiên Yên; các khu khám phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các trạm, điểm quan trắc môi trường phóng xạ.

Thứ tư là tăng cường nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh: Công nghiệp chế biến, chế tạo; chuyển đổi số; kinh tế biển; y tế, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; lĩnh vực dịch vụ; quốc phòng - an ninh...

Để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục không ngừng đổi mới tư duy, xây dựng và xác lập tầm nhìn phát triển và tầm nhìn chiến lược; chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan và hợp với lòng dân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các cấp, các ngành vì lợi ích chung; chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, nguồn lực để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện dứt điểm, kịp thời.

Một trong những vấn đề quan trọng là Quảng Ninh cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, sẽ tăng cường phối hợp với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu nhằm huy động nguồn lực, công nghệ phù hợp với điều kiện địa phương. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ, nhất là công nghệ sạch, tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Ngành KH&CN Quảng Ninh sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt thực hiện 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nêu trên để thật sự giúp doanh nghiệp, người dân nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Qua đó sẽ góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến của công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu mạnh, văn minh. Có thể thấy, các cơ chế, chính sách đầu tư cho KH&CN được tỉnh Quảng Ninh, các địa phương, các ngành, doanh nghiệp vận hành theo tư duy mới, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN. Điều này đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ, khuyến khích và huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy hoạt động sáng tạo của các tập thể, cá nhân. Từ những thành công bước đầu nhờ ứng dụng KH&CN, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển và ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để trở thành động lực then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/05/2024