ISSN-2815-5823
Phan Mai
Thứ năm, 10h32 08/08/2024

Quê quán là gì? Tìm hiểu về quy định ghi quê quán theo luật

Quê quán là gì? Nhiều người thường nhầm lẫn giữa quê quán, nguyên quán và nơi sinh. Đây là trường thông tin quan trọng, cần chính xác khi điền hồ sơ hay các loại giấy tờ. Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết dưới đây.

Quê quán là gì?

Quê quán là gì? Theo Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014: "Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh."

Quê quán là nơi sinh của cha mẹ, được ghi trong giấy khai sinh 
Quê quán là nơi sinh của cha mẹ, được ghi trong giấy khai sinh 

Như vậy, quê quán là nơi sinh của cha mẹ. Việc xác định quê quán của con sẽ theo cha hay theo mẹ còn phụ thuộc vào tập quán của mỗi địa phương. Phần lớn, quê quán của con sẽ xác định theo nơi sinh của cha. Trong trường hợp cha và mẹ không thống nhất được quê quán của con, thì sẽ cần tuân theo tục quán tại nơi con được sinh ra.

Nguyên quán và quê quán khác nhau như thế nào?

Quê quán và nguyên quán thường bị nhầm lẫn, do đều chỉ quê hương của công dân. Tuy nhiên cần phân biệt được sự khác nhau giữa hai khái niệm trên để tránh việc sai sót thông tin cá nhân.

So sánh quê quán và nguyên quán:

  • Quê quán: Được xác định theo nơi sinh của cha/mẹ, được ghi trên giấy khai sinh

  • Nguyên quán: Được xác định theo nguồn gốc của ông bà nội hoặc ông bà ngoại, được hiểu là quê gốc. Trong trường hợp công dân không xác định được nơi sinh của ông bà thì nguyên quán sẽ ghi theo nguồn gốc của cha/mẹ. Có nhiều trường hợp, nguyên quán và quê quán sẽ trùng nhau.

Nguyên quán trong các giấy tờ là nơi sinh của ông/bà, được hiểu là quê gốc của công dân
Nguyên quán trong các giấy tờ là nơi sinh của ông/bà, được hiểu là quê gốc của công dân

Theo Thông tư 36/2014/TT-BCA trước đây, Bộ Công an quy định nội dung ghi trong các biểu mẫu khi đăng ký, sổ hộ khẩu hay quản lý cư trú đề là nguyên quán theo đúng giấy khai sinh.

Tuy nhiên, từ 1/7/2022, theo Thông tư 55/2021/TT-BCA, sổ hộ khẩu mới sẽ không được cấp dạng giấy nên không còn dùng đến nguyên quán, mà thay bằng quê quán. Thông tin trên giấy tờ theo mẫu cũ có nguyên quán vẫn được công nhận về giá trị pháp lý, có thể sử dụng bình thường khi giao dịch kinh tế hoặc dân sự.

Quê quán ghi như thế nào trên giấy khai sinh?

Giấy khai sinh là giấy tờ gốc đầu tiên của công dân. Trong đó, quê quán là một thông tin quan trọng, làm tiền đề cho việc kê khai mọi thông tin về sau. Vậy khai quê quán như thế nào?

1. Trường hợp khai sinh cho con thông thường: Việc kê khai quê quán sẽ dựa vào khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 cùng điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Người kê khai thông tin quê quán cho người được đăng ký giấy khai sinh trên cơ sở quê quán của cha hoặc mẹ (đã được thỏa thuận) hoặc khai theo tập quán địa phương.

2. Trường hợp làm khai sinh cho trẻ em cơ nhỡ: Cơ quan chức năng sẽ lập biên bản sự việc, sau đó niêm yết công khai thông tin của trẻ. Nếu không tìm được cha mẹ, việc xác định quê quán của trẻ bị bỏ rơi sẽ dựa theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Quê quán sẽ là nơi sinh của trẻ, nơi phát hiện ra trẻ bị bỏ rơi.

3. Trường hợp làm khai sinh cho trẻ không xác định được cả cha/ mẹ: 

  • Đối với trẻ không xác định được cha: Ghi quê quán theo nơi sinh của mẹ

  • Đối với trẻ không xác định được mẹ: Ghi quê quán theo nơi sinh của cha

Khi làm giấy khai sinh cho trẻ không xác định được cha hoặc mẹ thì quê quán sẽ lấy theo nơi sinh của người còn lại
Khi làm giấy khai sinh cho trẻ không xác định được cha hoặc mẹ thì quê quán sẽ lấy theo nơi sinh của người còn lại

Nhìn chung, nguyên tắc khai quê quán vẫn theo nơi sinh ra của cha và mẹ. Tùy vào từng trường hợp của công dân mà việc xác định quê quán sẽ được thực hiện khác nhau.

Thông tin quê quán bị sai phải làm như thế nào?

Một số trường hợp quê quán bị khai sai do người kê khai nhầm lẫn, nhân viên nhập liệu nhầm lẫn hoặc thay đổi địa danh. Tuy nhiên, việc sửa đổi thông tin hay cải chính hộ tịch chỉ được thông qua nếu công dân có thông tin xác minh hợp lệ.

Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP: “Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”

Cùng với khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện để cải chính hộ tịch: “Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.”

Từ hai quy định trên, chúng tôi đã tổng hợp lại điều kiện để được xin sửa lại thông tin quê quán là công dân cần phải có căn cứ chứng minh sai sót là do lỗi từ công chức hộ tịch, hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Điều kiện để được xin cải chính hộ tịch là công dân cần phải có căn cứ chứng minh sai sót là do lỗi từ công chức hộ tịch, hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch
Điều kiện để được xin cải chính hộ tịch là công dân cần phải có căn cứ chứng minh sai sót là do lỗi từ công chức hộ tịch, hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch

Thủ tục đăng ký cải chính hộ tịch theo Điều 28 Luật Hộ tịch 2014:

1. Người yêu cầu cải chính hộ tịch phải nộp tờ khai theo mẫu và những giấy tờ liên quan tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Sau 3 ngày làm kể từ lúc tiếp nhận đủ giấy tờ, nếu nhận thấy yêu cầu sửa đổi quê quán là có cơ sở, nhân viên công chức tư pháp - hộ tịch sẽ ghi vào Sổ hộ tịch và làm báo cáo lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, tiến hành cấp trích lục cho người yêu cầu cải chính hộ tịch.

3. Với trường hợp yêu cầu cải chính hộ tịch liên quan tới Giấy khai sinh hay Giấy chứng nhận kết hôn, công chức tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm ghi lại nội dung đã thay đổi vào các giấy tờ trên. Nếu cần phải xác minh trước khi sửa đổi, thời gian sẽ không kéo dài thêm quá 3 ngày làm việc.

4. Về việc người yêu cầu cải chính hộ tịch không thể trực tiếp làm việc tại cơ quan hành chính, có thể ủy quyền cho người khác thay thế. Cụ thể, theo Điều 2 Thông tư 104/2020/TT-BTP:

“Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.

Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.”

Như vậy, tùy vào từng đối tượng nhận ủy quyền và mà thủ tục ủy quyền sẽ thay đổi. Công dân cần chuẩn bị đúng và đủ hồ sơ giấy tờ theo như yêu cầu để đảm bảo quá trình cải chính hộ tịch được suôn sẻ.

Chúng tôi đã giải đáp câu hỏi “Quê quán là gì?” và phân biệt giữa hai khái niệm nguyên quán và quê quán. Quê quán là nơi cha mẹ sinh ra, thông tin sẽ được thống nhất trên toàn bộ giấy tờ của công dân. Do vậy, xác định đúng quê quán của bản thân là bổn phận của mọi công dân./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024