ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ tư, 10h42 24/04/2024

Quyền sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ và tôn trọng

Cover image
(KDPT) - Đổi mới và sáng tạo đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống và là một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Những ý tưởng mới với sức sáng tạo vô hạn góp phần làm nên các sản phẩm độc đáo. Sự sáng tạo này chỉ có thể phát triển bền vững khi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ, tôn trọng.

Quyền sở hữu trí tuệ là gì ?

Một vài năm trở lại đây, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực được nhiều cá nhân, tổ chức cũng như doanh nghiệp quan tâm. Theo đó, “Trí tuệ” được hiểu là nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, đây là năng lực riêng của con người.

Những thành quả do trí tuệ con người tạo ra thông qua hoạt động sáng tạo được thừa nhận là tài sản trí tuệ. “Sở hữu trí tuệ” được hiểu là sự sở hữu đối với những tài sản trí tuệ đó. Cụ thể hơn, đó là các quyền hợp pháp xuất phát từ hoạt động trí tuệ trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; Quyền sở hữu công nghiệp; Quyền đối với giống cây trồng....

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có thể khẳng định, bất cứ một sản phẩm nào thu hút khách hàng thành công cũng dễ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Do vậy, việc đăng ký sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng để bảo vệ sản phẩm trí tuệ đồng thời việc đăng ký sở hữu trí còn góp phần khuyến khích sự sáng tạo. Thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của họ vào các hoạt động nghiên cứu. Cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm tốt.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ góp phần giảm thiểu tổn thất. Và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Nhờ vào quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp sẽ không phải đối mặt với những thiệt hại về mặt kinh tế do hành vi “chiếm đoạt” của các đối thủ cạnh tranh.

Nếu không bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì trên thị trường sẽ tràn lan những sản phẩm giả, kém chất lượng. Ảnh hưởng nghiêm trọng về cả uy tín và doanh thu cho các chủ thể đang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng có chất lượng, có sự đầu tư trí tuệ vào sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn. Và được sử dụng các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của họ.

Hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những hành vi xâm phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến những sản phẩm trí tuệ mà các chủ sở hữu sáng tạo ra. Nhận thấy được vấn đề nghiêm trọng này, pháp luật đã đưa ra các biện pháp giúp bảo vệ và xử lý những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là trách nhiệm của cộng đồng

Theo ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết tại Hội thảo VMCC Marcom Talk 08 nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 (World Intellectual Property Day - IP DAY) tại Việt Nam diễn ra ngày 23/4, đổi mới và sáng tạo đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hằng ngày và một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Từ công nghệ thông tin, truyền thông đến nghệ thuật và thiết kế, các lĩnh vực này đều đang chứng kiến sự bùng nổ của những ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo.

Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: Bộ KH&CN)
Ông Trần Xuân Bách, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: Bộ KH&CN)

“Tuy nhiên, sự sáng tạo này chỉ có thể phát triển bền vững khi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm sáng tạo được bảo vệ và tôn trọng”, ông Bách nói và cho biết, quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bản quyền, quyền tác giả đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ và khuyến khích sự sáng tạo.

Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng để bảo đảm rằng người tạo ra ý tưởng mới và sản phẩm độc đáo được bảo vệ và được hưởng lợi từ công việc của mình một cách công bằng, chính đáng. Song theo ông Bách, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả đang đối mặt với nhiều thách thức.

Một trong những thách thức lớn nhất là sự phổ biến của internet và công nghệ số, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sao chép và phân phối trái phép các tác phẩm. Điều này đặt ra vấn đề về việc làm thế nào để thực thi các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh nền kinh tế số một cách hiệu quả và công bằng.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả không chỉ là trách nhiệm của các nhà lập pháp và chính phủ mà còn là trách nhiệm của toàn bộ cộng đồng. Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ và tôn trọng công sức sáng tạo của người khác. Ông Bách nhấn mạnh.

Ông Vũ Trung Hiệp - Phó Chủ tịch điều hành VMCC, CEO LinkStar Event & Communication, chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa marketing, thương hiệu (những ngành thuộc công nghiệp sáng tạo) và sở hữu trí tuệ chính là giá trị.

Mọi hoạt động của marketing nói chung hay character marketing nói riêng đều là nhằm khám phá, thấu hiểu, kiến tạo và thoả mãn nhu cầu, thị hiếu của người dùng. Mọi sáng tạo đều là để tạo ra lợi ích và giá trị nào đó (lý tính hoặc cảm xúc, hoặc cả hai) đáp ứng đúng mong muốn của khách hàng.

Còn công việc của các nhà sáng tạo cũng là tạo ra giá trị thông qua các sáng kiến, phát minh, tác phẩm của mình. Và cả nhà kinh doanh, nhà tiếp thị và nhà sáng tạo đều cần đến một công cụ để bảo vệ cũng như tối ưu giá trị sáng tạo của mình, đó là sở hữu trí tuệ.

Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số cho rằng trên môi trường số, sở hữu trí tuệ, bản quyền là vấn đề sống còn. Để bảo vệ giá trị sáng tạo cần có các giải pháp đồng bộ, chủ động.

Ông Chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, sáng tạo trên môi trường số đến không chỉ các đối tượng sáng tạo nội dung mà cả cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng phân phối, khai thác nội dung sáng tạo...

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, chiến lược sở hữu trí tuệ, chiến lược phát triển Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và sắp tới là Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi./.

 

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/05/2024