Số phận "hẩm hiu" suốt 16 năm của dự án Apex Tower
Trong hơn một năm qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều biến động bất thường, đặc biệt là tình trạng tăng giá mạnh ở cả phân khúc nhà đất lẫn chung cư. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự khan hiếm nguồn cung, khiến giá bất động sản cao cấp tăng vọt. Ngay cả phân khúc trung bình cũng ghi nhận mức tăng từ 20-50%, trong khi nhà ở xã hội và bình dân lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu từ thực tế của Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, nhiều dự án bất động sản, từ các toà tháp, chung cư cho đến nhà thấp tầng, vẫn đang trong tình trạng bị bỏ hoang. Một số dự án gặp phải vướng mắc pháp lý hoặc gặp phải các khó khăn khác chưa thể triển khai nên các dự án đó vẫn chưa đưa sản phẩm ra thị trường để đến được với người dân. Hệ quả là tài nguyên bị lãng phí, nơi thừa nguồn cung nhưng nơi lại thiếu hụt trầm trọng, tạo ra sự mất cân đối và làm tình trạng khan hiếm nhà ở trở nên nghiêm trọng hơn, cũng là một phần khiến cho giá nhà đang leo thang. Mời quý độc giả theo dõi bài viết tiếp theo trong loạt bài về các dự án, khu đô thị bỏ hoang: "Số phận "hẩm hiu" suốt 16 năm của dự án Apex Tower" để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này và những tác động tiêu cực của nó đến thị trường bất động sản. |
Dự án Apex Tower do Công ty Cổ phần Tòa nhà Cavico Việt Nam và Công ty Cổ phần Tu tạo và Phát triển Nhà làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD (tương đương hơn 381 tỷ đồng).
Nằm tại vị trí đắc địa trên mặt đường Phạm Hùng, dự án sở hữu diện tích 2.780m², với tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 44.000m². Tòa nhà cao khoảng 100m, bao gồm 27 tầng nổi và 3 tầng hầm, tạo nên một công trình ấn tượng trong khu vực.
Tòa tháp 27 tầng này từng được kỳ vọng là một dự án cao cấp, góp phần thúc đẩy sự phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của khu vực phía Tây Hà Nội.
Dù khởi công từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012, nhưng đến nay Apex Tower vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện phần thô và đã bị bỏ hoang suốt nhiều năm trời.
Ban đầu Apex Tower được thiết kế với nhiều tính năng nổi bật, bao gồm hệ thống thanh giằng dưới sàn vững chắc, hệ thống điều hòa không khí linh hoạt cho phép điều chỉnh nhiệt độ từng khu vực riêng biệt, và hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt chuẩn quốc tế. Toàn bộ tòa nhà còn được trang bị 8 thang máy tốc độ cao, mang lại sự thuận tiện tối đa cho khách thuê.
Apex Tower tọa lạc ở vị trí đắc địa, đối diện tòa nhà Keangnam và dự án Vicem Tower - trụ sở điều hành và giao dịch của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Dù sở hữu vị thế vàng, nhưng hơn một thập kỷ trôi qua, dự án vẫn dở dang và không có dấu hiệu hoàn thành, dù phần thô đã được xây dựng.
Công trình ngày càng xuống cấp theo thời gian và đến nay vẫn chưa rõ khi nào sẽ được khởi động lại.
Năm 2011, dự án Apex Tower buộc phải tạm ngừng thi công, và sau cuộc thanh tra vào năm 2014 đã phát hiện việc thi công không tuân thủ đúng thiết kế ban đầu.
Đến năm 2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ra phán quyết yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả 14,7 tỷ đồng cho Công ty TNHH Thiết kế Tư vấn Đầu tư (Devyt) và bồi thường thêm 4,3 tỷ đồng do chậm trễ trong việc bàn giao nhà.
Những sai phạm trong quá trình triển khai, kết hợp với khó khăn tài chính, đã cản trở dự án không thể tiếp tục tiến độ như dự kiến, dẫn đến thiệt hại cho các nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan đô thị trong khu vực./.
- Tiếp tục bỏ hoang, dự án “đất vàng” của Tập đoàn Bảo Việt ở Hà Nội sẽ bị thu hồi?
- Hơn 5.000 m2 “đất vàng” Vietcombank bỏ hoang cho cỏ mọc ở Khu đô thị Cầu Giấy được gia hạn thêm 11 tháng
- 410 dự án bỏ hoang “đất vàng” ở Hà Nội được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, vi phạm