ISSN-2815-5823

Sự đổi mới của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương

(KDPT) - "Sự đổi mới của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương" - Triển lãm và Art Talk vừa diễn ra tại Hà Nội là một sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh di sản nghệ thuật hiện đại của Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn 1925-1945.

Sự kiện nhằm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), do bà Charlotte Aguttes-Reynier chủ trì, đặc biệt quy tụ hậu duệ của hai vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội: Victor Tardieu và Évariste Jonchère; của các giáo sư: Jacques Lebas, Nam Sơn và của các học sinh của trường như Lê Phổ, Trịnh Hữu Ngọc, Mai Trung Thứ, và Vũ Cao Đàm.

Trường Mỹ thuật Đông Dương, được thành lập vào năm 1924 dưới sự lãnh đạo của họa sĩ người Pháp Victor Tardieu. Đây là một trong những cơ sở đào tạo nghệ thuật quan trọng nhất tại Đông Dương, góp phần định hình nền nghệ thuật hiện đại nói chung, mỹ thuật hiện đại nói riêng của Việt Nam trong thế kỷ XX.

Công bố dự án thành lập Giải thưởng Tô Ngọc Vân.
Công bố dự án thành lập Giải thưởng Tô Ngọc Vân.

Triển lãm lần này mang đến cho công chúng các bản in của các tác phẩm nổi tiếng từ các họa sĩ lừng danh, như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và nhiều tên tuổi khác, được tuyển chọn từ hơn 1.000 tác phẩm của hơn 70 nghệ sĩ từng được thẩm định bởi nhà đấu giá Aguttes.

Các tác phẩm trưng bầy tại triển lãm hiện lại thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật Đông Dương, đặc biệt là sự giao thoa giữa nghệ thuật phương Tây và dòng chảy mỹ thuật Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội để chiêm ngưỡng những tác phẩm độc đáo mà còn là dịp để tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và tầm ảnh hưởng của Trường Mỹ thuật Đông Dương đối với sự phát triển của nghệ thuật hiện đại Việt Nam.

Tại sự kiện, có 3 cuộc tọa đàm ngắn được dẫn dắt bởi bà Charlotte Aguttes-Reynier, chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á, Chủ tịch Hiệp hội các nghệ sĩ châu Á tại Paris, tập trung nghiên cứu và tổng hợp tài liệu về nhiều khía cạnh của nghệ thuật hiện đại châu Á, đặc biệt là tác phẩm của các nghệ sĩ người Việt: Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Ngoài các diễn giả, sự kiện còn có sự tham gia của hậu duệ của các họa sĩ nổi tiếng, chia sẻ những câu chuyện về gia đình, di sản nghệ thuật và vai trò quan trọng của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong việc thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật.

Phiên thảo luận đầu tiên tập trung vào mối quan hệ giữa Jacques Lebas, giám học Trường Albert Sarraut, và Victor Tardieu, người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Câu chuyện về tình bạn giữa họ đã giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Chủ đề: Évariste Jonchère, một nhiệm kỳ cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật trang trí.
Chủ đề: Évariste Jonchère, một nhiệm kỳ cống hiến cho sự phát triển của nghệ thuật trang trí.

Tiếp theo là phiên thảo luận quan trọng về vai trò của các kỹ thuật truyền thống Trung Hoa trong việc phát triển nghệ thuật hiện đại Đông Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực hội họa trên lụa. Đây là một lĩnh vực đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam, với sự kết hợp giữa các kỹ thuật phương Đông và ảnh hưởng từ các nghệ sĩ phương Tây.

Cuối cùng, một trong những điểm nhấn đáng chú ý là phiên thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật đa văn hóa, với sự tham gia của các nghệ sĩ và nhà sưu tầm nổi tiếng như Alain Le-Kim, con trai của họa sĩ Lê Phổ và nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm.

"Sự đổi mới của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương" mở ra cơ hội để khám phá những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, ngoài các diễn giả quốc tế, sự kiện còn có sự tham gia của nhiều hậu duệ của các họa sĩ nổi tiếng, những người chia sẻ câu chuyện về gia đình, di sản nghệ thuật và vai trò quan trọng của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong việc thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/01/2025