Sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả và tiết kiệm nhờ ứng dụng công nghệ AI
Sử dụng năng lượng xanh hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu
Thế giới đang trải qua thời tiết nóng bức gay gắt chưa từng có trong 10 năm, trong đó Việt Nam cũng đang phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Để ngăn chặn biến đổi khí hậu, việc giảm lượng khí thải carbon là chìa khóa quan trọng. Thực tế, Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về vấn đề này. Cụ thể, ngày 26/1/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 nhằm đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Lý do AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng vì theo báo cáo của diễn đàn kinh tế thế giới, các chuyên gia cho rằng, AI đóng một vai trò trong các lĩnh vực sản xuất và dự báo năng lượng tái tạo, điều hành lưới điện thông minh, điều phối nhu cầu và phân phối năng lượng, tối đa hóa hiệu quả sản xuất điện cũng như nghiên cứu và phát triển vật liệu.
Như vậy, trong ngành điện, một lượng dữ liệu lớn chứa thông tin về lưới điện như công suất phát điện, công suất của phụ tải, dòng điện, điện áp, tần số, tín hiệu sự cố… có thể trở thành nguồn dữ liệu đầu vào cho các ứng dụng AI với các mục đích khác nhau nhưng đều hướng tới nâng cao chất lượng điện năng và quản lý lưới điện hiệu quả.
Ngoài ra, tại Hội nghị COP 26 diễn ra cuối năm 2021, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được những cam kết như trên, việc phát triển sử dụng xe điện trở thành điều bắt buộc. Bộ Giao thông và Vận tải Việt Nam cũng đang soạn thảo và đề xuất ban hành hai luật gồm: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Phát triển đô thị. Trong đó, có các chính sách liên quan đến hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các phương tiện điện hóa và sử dụng năng lượng xanh. Cả hai luật này sẽ được trình lên Quốc hội trong năm 2024 và có thể sẽ áp dụng từ đầu năm 2025 nhằm kích thích nhu cầu sử dụng xe điện từ người dân.
Theo phân tích và dự báo của tổ chức tư vấn và nghiên cứu thị trường Mordor Intelligenc, thị trường cơ sở hạ tầng AI dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 27,5% từ năm 2022 đến năm 2029, đạt trên 164,12 tỷ USD vào năm 2029 từ mức 23,5 tỷ USD vào năm 2029. Trong đó, quy mô thị trường trạm sạc xe điện ước tính đạt 32,86 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 104,09 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 25,94% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029). Với sự phát triển của thị trường ô tô điện tại Việt Nam, hạ tầng trạm sạc ô tô điện đang là một rào cản khi chưa có nhiều số lượng được đầu tư.
Doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực triển khai các mục tiêu sử dụng năng lượng bền vững
Theo ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia cho biết, những năm vừa qua, các nước trên thế giới đã có nhiều bước tiến quan trọng về chính sách, hỗ trợ tài chính và công nghệ, từ đó thúc đẩy và rút ngắn khoảng cách xanh (Green Gap) biến tham vọng thành hành động của các doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết Net Zero, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.
Tại Việt Nam, điều chúng ta cần thực hiện là hoàn thiện chính sách. Cụ thể, cần hoàn thiện các thể chế, chỉnh sửa và cải thiện khuôn khổ pháp luật sao cho có hướng dẫn rõ ràng hơn, nhất là cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào việc tiết kiệm năng lượng. Từ đó, Chính phủ cũng dễ dàng giám sát, phân tích đo lường hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tăng cường các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn dành cho doanh nghiệp cũng rất quan trọng; kể cả việc thúc đẩy hoạt động tuyên truyền kiến thức về tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững và đào tạo nguồn lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.
Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích và hỗ trợ nhiều chính sách để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và thay thế các thiết bị cũ sang các thiết bị công nghệ tích hợp tự động hóa. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển các giải pháp, công nghệ để hỗ trợ tiết kiệm năng lượng. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, trong đó là xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao. Đặc biệt, cần áp dụng những tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng nhất cho hạ tầng giữa các khu vực trong nước, như đưa điện sạch hòa vào lưới điện quốc gia…
Theo ông Lâm, công nghệ và AI đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp quản lý năng lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty trở nên xanh, bền vững hơn. Tuy nhiên, mối lo ngại về chi phí khi đầu tư vào sản xuất kinh doanh “xanh” vẫn đang là một rào cản lớn với nhiều doanh nghiệp.
Vì vậy, để doanh nghiệp vừa tăng lợi nhuận, vừa sản xuất xanh và bền vững thì theo quan điểm của ông Lâm, việc xây dựng mô hình toàn diện tích hợp giá trị kinh tế hữu hình và phi tài chính vào quyết định đầu tư là giải pháp tối ưu.
Đưa ra ví dụ, đối với các tòa nhà văn phòng hiện hữu, nếu đầu tư cải tạo hệ thống quản lý tòa nhà, quản lý năng lượng, pin mặt trời, theo tính toán thời gian hoàn vốn từ tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 10 năm. Tuy nhiên, ở đây chưa tính đến các giá trị như giá cho thuê tăng lên, giá trị thương hiệu, giá trị bất động sản tăng thêm.
Với các tòa nhà xây mới, chi phí đầu tư ban đầu cho một tòa nhà xanh cao hơn khoảng 4 - 6% so với tòa nhà thông thường. Mức này có thể giảm xuống dưới 4% vào năm 2030 khi công nghệ phát triển hơn. Đây là một mức hoàn toàn có thể chấp nhận được so với giá trị mang lại của một tòa nhà xanh.
Về mặt công nghệ, ứng dụng nhiều hơn công nghệ về điện hoá, số hoá chính là chìa khóa cân bằng bài toán này. Với điện hoá, chúng ta sử dụng năng lượng có hiệu quả hơn so với nguồn năng lượng hoá thạch, đặc biệt là nguồn điện sạch từ năng lượng tái tạo. Số hoá giúp đưa ra giải pháp cho tòa nhà, nhà máy để thông minh hơn, từ đó giúp chúng ta sử dụng năng lượng có hiệu quả nhất. Đó là khoản đầu tư và lợi ích mang lại. Ông Lâm kết luận./.
- Ứng dụng và phát triển công nghệ hydrogen trong chuyển đổi năng lượng xanh
- Năng lượng xanh là xu hướng tất yếu để phát triển kinh tế bền vững