Ứng dụng và phát triển công nghệ hydrogen trong chuyển đổi năng lượng xanh
Hội thảo nhằm đánh giá tổng thể việc sản xuất Hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các tiềm năng sử dụng Hydro xanh ở Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết: Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển dịch năng lượng, từ năng lượng truyền thống sang các loại năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch. Đây cũng là xu hướng tất yếu trên thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và nền kinh tế bền vững.
Tại Việt Nam, việc phát triển năng lượng Hydrogen đã được Bộ Chính trị và Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng Hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Takizawa Yasunori, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Khoa học, Công nghệ và Môi trường Công nghiệp (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã thiết lập một chiến lược toàn diện trong 10 năm để từng bước chuyển đổi sang năng lượng xanh, với nguồn kinh phí khoảng 20 nghìn tỷ Yên và đặt mục tiêu thu hút đầu tư thêm 150 nghìn tỷ Yên từ các doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, Nhật Bản đã xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, trung hòa carbon với hơn 670 doanh nghiệp tham gia.
Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Hydro góp phần vào đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; Hydro cũng giúp giảm ô nhiễm không khí khi được sử dụng trong pin nhiên liệu sử dụng trong giao thông.
Những rào cản trong phát triển Hydro xanh, đó là chi phí sản xuất cao, thiếu cơ sở hạ tầng chuyên dụng, tổn thất năng lượng lớn. Hiện chưa có thị trường Hydro xanh, thép xanh, nhiên liệu vận chuyển xanh và về cơ bản chưa có định giá về lượng khí thải thấp hơn mà Hydro xanh có thể mang lại.
Ông Đặng Hải Anh, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, dự báo đến năm 2050, nhu cầu năng lượng cuối cùng tại Việt Nam là khoảng 144-170 triệu tấn dầu (quy đổi); trong đó năng lượng Hydrogen chiếm tỉ trọng khoảng 5,6 - 6,2% trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng.
Dự thảo quy hoạch năng lượng quốc gia đã đặt ra mục tiêu đến năm 2050, sản lượng Hydrogen đạt khoảng 25 triệu tấn, nhiêu liệu tổng hợp từ nguồn gốc Hydro đạt khoảng 2,5 - 2,9 triệu tấn. Lộ trình phát triển năng lượng Hydrogen được chia làm 2 giai đoạn: Từ nay đến năm 2030 sẽ phát triển các dự án Hydrogen quy mô nhỏ, khoảng 20 – 25 nghìn tấn; từ 2031 đến 2050 sẽ đẩy mạnh sản xuất Hydrogen bằng công nghệ điện tái tạo và khí hóa than…
Hydrogen là nguồn năng lượng sạch, gần như không phát thải khí ô nhiễm mà chỉ sinh ra hơi nước, sau đó nước qua quá trình điện phân lại có thể thu được Hydrogen. Vì vậy, Hydrogen là nguồn năng lượng gần như vô tận hay có thể tái sinh được, là xu hướng tất yếu trên thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.
Tại Việt Nam, Hydrogen là một trong những giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ đến năm 2050 sẽ phát thải ròng bằng không.