ISSN-2815-5823

Tại sao lãi suất vay mua nhà ở vẫn khó giảm?

(KDPT) - Mặc dù mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt nhưng các ngân hàng vẫn chưa thể giảm lãi suất cho vay mua nhà ở vì phải tuân thủ nguyên tắc an toàn nguồn vốn.

Rất khó giảm lãi suất vay mua bất động sản

Trong thời gian gần đây, lãi suất cho vay mua nhà ở các ngân hàng thương mại vẫn neo cao, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đã hạ nhiệt. Khảo sát thực tế tại các ngân hàng thương mại, những tháng đầu năm 2024, hầu hết các ngân hàng đều giữ mức lãi suất vay mua nhà ở mức ổn định, ít có sự điều chỉnh. Nếu so với thời điểm cách đây 1-2 năm, lãi suất vay mua nhà ở các nhà băng hiện nay đã tăng lên 4-5%/năm, thậm chí có nhà băng đã đẩy lên mức 16-17%, cao gấp 2-2,5 lần. 

Riêng tháng 3/2024, lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng thương mại dao động từ 5-14,05%/năm. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian ưu đãi, người vay phải chịu mức lãi suất thả nổi lên tới khoảng 8-13%/năm.

Mức lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng thương mại trong tháng 3/2024. (Nguồn: Phóng viên tổng hợp)
Mức lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng thương mại trong tháng 3/2024. (Nguồn: Phóng viên tổng hợp)

Theo chia sẻ của một nhân viên cho vay tín dụng, hiện nay, chính sách của nhiều ngân hàng là tăng lãi suất cho vay mua bất động sản để hạn chế dòng tiền đổ vào lĩnh vực này. Cho nên, hồ sơ các khoản vay vốn liên quan đến bất động sản sẽ rất khó khăn vì phải phê duyệt kỹ hơn.

Mức lãi suất vay mua bất động sản tại các ngân hàng vẫn đang ở mức khá cao. (Ảnh: Batdongsan)
Mức lãi suất vay mua bất động sản tại các ngân hàng vẫn đang ở mức khá cao. (Ảnh: Batdongsan)

Chia sẻ về việc tăng lãi suất vay mua bất động sản, lãnh đạo một nhà băng cho biết, họ đang bị rơi vào thế khó, nếu không tăng lãi suất cho vay thì rất dễ bị mất thanh khoản. Ở thời điểm hiện nay, dù đã bước qua gần hết quý đầu tiên của năm 2024, hạn mức tín dụng cho vay bất động sản vẫn hạn chế cho dù nhu cầu vốn từ thị trường vẫn đang tăng rất cao. Chỉ sau Tết Nguyên đán 2024, rất nhiều người đã gửi hồ sơ xin vay vốn mua nhà về ngân hàng. Trong bối cảnh nhu cầu vay đang tăng cao, room tín dụng hạn chế thì lãi suất cho vay rất khó giảm.

Một số ngân hàng đang giảm lãi suất tiết kiệm, tạo dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Một số ngân hàng đang giảm lãi suất tiết kiệm, tạo dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đào Xuân Sơn cho cho biết, dù tình hình lạm phát ở Việt Nam đang kiểm soát tốt nhưng để đảm bảo cho nền kinh tế thì lãi suất tiền gửi và cả lãi suất cho vay tại các ngân hàng phải tăng (vào các thời điểm thích hợp) để bù đắp lại sự trượt giá của đồng tiền.

Nếu xét trên phạm vi toàn thế giới, Việt Nam đang đối mặt với trên dưới 200 cuộc tấn công về việc tăng lãi suất và chống lạm phát ở các nước. Ví dụ vào khoảng tháng 9-10/2022, chỉ số lạm phát (CPI) của Việt Nam đã tăng lên 0,4-0,6% vì chịu ảnh hưởng tình hình lạm phát ở một số nước trên thế giới. Khi tình hình lạm phát ở các nước trên thế giới đang căng thẳng, Việt Nam buộc phải tăng lãi suất để duy trì, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tránh làm mất giá đồng nội tệ so với các đồng ngoại tệ. 

Bao giờ lãi suất cho vay mua nhà giảm?

Giới chuyên gia cho rằng, với mức lãi suất cho vay như hiện nay thì không chỉ người vay mua nhà, mà cả doanh nghiệp cũng không thể sống được. Cho nên, các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc để hạ nhiệt để thỏa lòng mong mỏi, chờ đợi của nhiều người dân và các doanh nghiệp.

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản gửi các lãnh đạo tổ chức tín dụng bày tỏ về vấn đề lãi suất cho vay hiện nay đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và người mua nhà. Ngay cả khi có tài sản đảm bảo, các doanh nghiệp địa ốc vẫn không thể vay được vốn để phát triển dự án vì hết hạn mức tín dụng. 

Lãi suất cho vay mua nhà rất khó giảm vì nhiều yếu tố. (Ảnh: Báo Thanh niên)
Lãi suất cho vay mua nhà rất khó giảm vì nhiều yếu tố. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Cũng theo chuyên gia kinh tế - tài chính Đào Xuân Sơn, Chính phủ sẽ không để lãi suất neo cao trong một thời gian dài. Bởi lẽ, nếu lãi suất cao sẽ làm tăng mặt bằng giá của xã hội, tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Bên cạnh đó, việc duy trì mức lãi suất cao trong suốt một thời gian dài sẽ dẫn đến các hệ lụy như đầu tư xã hội bị hạn chế, gia tăng tình trạng đình trệ, suy thoái dẫn đến tình trạng thất nghiệp và phá sản, gây áp lực lạm phát trong tương lai. Cho nên chắc chắn trong thời gian tới, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách điều hành linh hoạt để tránh ảnh hưởng cho nền kinh tế. 

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, các nhà băng lớn chỉ huy động tiền gửi ở mức tối đa 7,5%/năm nhưng vẫn duy trì được nguồn vốn cao, trong khi các ngân hàng thương mại khác lại đẩy lãi suất huy động lên cao. Điều đó cho thấy những ngân hàng có thương hiệu, quản trị rủi ro tốt thì vẫn đảm bảo về thanh khoản. Cho nên, họ vẫn có dư địa để cho vay với lãi suất thấp hơn các ngân hàng đang gặp khó về thanh khoản. 

Đưa ra dự báo về mức lãi suất cho vay trong năm 2024, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, lãi suất cho vay hiện đã giảm 2-3% so với trước đây cho nên để giảm sâu hơn là rất khó. Trong năm nay, mức lãi suất cho vay có thể chỉ có thể giảm thêm từ 0,5-1%.

Lãi suất vay mua nhà rất khó giảm sâu trong năm 2024. (Ảnh minh họa)
Lãi suất vay mua nhà rất khó giảm sâu trong năm 2024. (Ảnh minh họa)

Trước đó, trong Công điện số 18 ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và lựa chọn các ngân hàng để vay vốn./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024