Tấn công bruteforce nguy hiểm thế nào đến an ninh mạng?
Tấn công bruteforce khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề
Theo công ty bảo mật phần mềm của Nga Kaspersky, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 công ty này đã ngăn chặn hơn 23 triệu cuộc tấn công mạng bằng phương thức bruteforce nhắm vào các doanh nghiệp tại Đông Nam Á.
Theo đó, tấn công bruteforce là phương thức mà tội phạm mạng sử dụng để đoán thông tin đăng nhập, khóa mã hóa hoặc tìm một trang web ẩn bằng cách thử nghiệm tất cả các tổ hợp ký tự có thể cho đến khi tìm được kết quả đúng.
Nếu thành công, kẻ tấn công có thể truy cập được dữ liệu cá nhân và thông tin quan trọng, từ đó cài đặt và phát tán phần mềm mã độc malware, thậm chí chiếm quyền kiểm soát hệ thống để thực hiện các hành vi phạm tội khác.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, các sản phẩm B2B của Kaspersky đã phát hiện và ngăn chặn tổng cộng 23.491.775 cuộc tấn công dưới hình thức Bruteforce.Generic.RDP.
Remote Desktop Protocol (RDP) là giao thức độc quyền của Microsoft, cung cấp giao diện đồ họa cho người dùng kết nối với máy tính khác thông qua mạng. RDP thường được các quản trị viên hệ thống và người dùng không chuyên về kỹ thuật sử dụng rộng rãi để điều khiển máy chủ và máy tính từ xa.
Các cuộc tấn công theo hình thức Bruteforce.Generic.RDP tập trung tìm ra cặp thông tin đăng nhập/mật khẩu hợp lệ bằng cách thử tất cả các tổ hợp ký tự có thể cho đến khi tìm ra mật khẩu chính xác để truy cập vào hệ thống. Nếu thành công, kẻ tấn công sẽ tìm ra được tên đăng nhập/mật khẩu chính xác và giành quyền truy cập máy tính mục tiêu từ xa.
Việt Nam bị tấn công bruteforce cao nhất khu vực
Với hơn 8,4 triệu, 5,7 triệu và 4,2 triệu cuộc tấn công, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan lần lượt là 3 quốc gia ghi nhận số vụ tấn công RDP cao nhất trong nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, Singapore ghi nhận hơn 1,7 triệu trường hợp, Philippines hơn 2,2 triệu và Malaysia ghi nhận ít nhất với hơn 1 triệu vụ tấn công.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho hay: “Mặc dù tấn công theo hình thức bruteforce là một phương pháp cũ, các doanh nghiệp vẫn không thể xem nhẹ nguy cơ này.
Tấn công bruteforce vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn với khu vực, bởi hiện vẫn còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp sử dụng mật khẩu yếu, tạo kẻ hở cho kẻ xấu tấn công.
Ngoài ra, việc thiếu xác thực đa yếu tố (MFA) trên các kết nối RDP cũng như cấu hình RDP sai cũng làm tăng nguy cơ tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công bởi phương thức bruteforce”.
Tội phạm mạng đang tận dụng trí tuệ nhân tạo để tự động hóa, khiến quá trình tạo, kiểm tra mật khẩu trở nên nhanh và hiệu quả hơn, từ đó tăng cường sức mạnh của các cuộc tấn công bruteforce.
Một khi kẻ tấn công có được quyền truy cập từ xa vào máy tính doanh nghiệp, hậu quả để lại sẽ rất nặng nề. Các tổ chức có thể bị rò rỉ dữ liệu, hoặc gián đoạn hoạt động trong trường hợp hệ thống bị xâm nhập. Điều này gây thiệt hại lớn về tài chính do tổ chức phải đối mặt với chi phí cho thời gian ngừng hoạt động, nỗ lực khôi phục, thậm chí là các khoản phạt theo quy định.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, để ngăn chặn thì các doanh nghiệp nên sử dụng mật khẩu mạnh và không bị trùng lặp. Không tái sử dụng mật khẩu trên nhiều trang web, tài khoản mạng xã hội hoặc tài khoản tài chính. Cân nhắc sử dụng trình quản lý mật khẩu để tạo mật khẩu mạnh và không trùng lặp, đồng thời quản lý tất cả mật khẩu một cách hiệu quả.
Cùng với đó, không công khai các dịch vụ quản lý/máy tính từ xa (như RDP, MSSQL…) lên mạng công cộng, trừ khi thật sự cần thiết. Luôn sử dụng mật khẩu mạnh, xác thực hai yếu tố và tường lửa để bảo vệ các dịch vụ này./.
- Doanh nghiệp Việt và bài toán đảm bảo an toàn, an ninh mạng
- Phát triển nền tảng chia sẻ thông tin an ninh mạng