Tầng tum là gì? Lưu ý về quy định thiết kế tầng tum hiệu quả
Tầng tum là gì? Tầng tum là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong xây dựng - kiến trúc cũng như đời thường. Tuy phổ biến nhưng tầng tum có những quy định về thiết kế không phải ai cũng biết.
Tầng tum là gì?
Tầng tum là gì? Tầng tum hay còn được gọi là tum, mái tum là tầng trên cùng của căn nhà. Diện tích của tầng tum nhỏ hơn nhiều so với các tầng bên dưới. Tại Việt Nam, tầng tum xuất hiện phổ biến ở các công trình nhà ở thành phố hoặc nhà phân lô có diện tích nhỏ.
Công dụng của tầng tum
Đối với loại nhà phố hay nhà ống, diện tích thường bị hạn chế. Do vậy, nếu xây thêm tầng tum thì nhà sẽ có thêm diện tích, phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mà không tốn nhiều chi phí như xây một tầng nhà nguyên.
Chủ nhà thường tận dụng tầng tum để làm phòng thờ, nơi phơi giặt quần áo, kho đựng đồ hoặc phòng ngủ phụ…
Ưu điểm của tầng tum
Các ưu điểm nổi bật của nhà xây tầng tum so với nhà không có tầng tum:
-
Cân bằng phong thủy: Theo quan niệm trong phong thủy, tầng tum nếu được thiết kế kỹ lưỡng sẽ khắc phục những điều rủi ro, cân đối về âm dương - ngũ hành
-
Tạo sự cân đối cho căn nhà: Tạo cảm giác cao to, bề thế cho căn nhà
-
Tiết kiệm chi phí: So với việc xây thêm một tầng hoàn chỉnh chỉ để phục vụ các hoạt động phụ, sẽ tốn nhiều chi phí về kết cấu, vật liệu và thời gian thì tầng tum là phương án hợp lý hơn.
-
Chống nắng nóng: Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới, đặc điểm là nóng ẩm. Tầng tum sẽ là giải pháp chống nắng hiệu quả cho các tầng bên dưới. Gia chủ có thể sử dụng thêm các vật liệu chống nắng như sơn chống nóng, tôn chống nắng hoặc tạo ra không gian xanh trên cao.
-
Thông sáng: Để tăng khả năng thông sáng, ngoài việc kết hợp giữa giếng trời và khoảng thông tầng, tầng tum chỉ chiếm một phần nóc nhà sẽ giúp ánh sáng đi vào nhà nhiều hơn.
-
Tạo không gian thư giãn trên cao: Tầng tum là không gian thích hợp để xây dựng vườn mini, tiểu cảnh hoặc khu thư giãn của riêng gia chủ.
Tầng tum và tầng mái có khác nhau không?
Trên thực tế, tầng tum và tầng mái giống nhau, đều chỉ tầng cao nhất của căn nhà và diện tích bé hơn các tầng còn lại. Tuy nhiên, tầng tum khác với tầng áp mái. Nếu tầng tum chỉ chiếm một phần nhỏ diện tích mặt sàn, thì tầng áp mái được xây trên toàn bộ mặt sàn và mái dốc xuống.
Tiêu chuẩn thiết kế tầng tum
Diện tích và chiều cao tầng tum trong xây dựng được quy định rõ ràng trong luật. Cụ thể, theo Thông tư Thông tư 07/2019 từ Bộ Xây dựng:
-
Tầng tum sẽ không được tính là một tầng riêng biệt nếu xây theo dạng lắp mái che cho cầu thang bộ, thang máy hoặc khu kỹ thuật của căn nhà
-
Diện tích tầng tum không được lớn hơn 30% diện tích sàn của mái, chiều cao dưới 3m
-
Nếu diện tích tầng tum lớn hơn 30% diện tích mặt sàn mái, tầng đó sẽ được tính là một tầng nguyên. Dựa vào quy định này, chủ nhà có thể chọn cách thiết kế phù hợp, cũng như làm giấy phép xây dựng đúng quy định.
Những lưu ý khi xây dựng tầng tum hiệu quả
Một số lưu ý khi xây dựng tầng tum cho căn nhà:
Đầu tiên, nên sử dụng cửa sổ dạng trong suốt, hoặc thiết kế phong cách cửa sổ đón sáng tự nhiên, nhằm tạo cảm giác thông thoáng cho không gian. Ánh sáng và nguồn gió tự nhiên tốt cho sức khỏe cũng như không khí căn nhà, đồng thời tiết kiệm năng lượng.
Thứ hai, thiết kế nên ưu tiên đa chức năng và sự tối giản. Tầng tum vốn bị hạn chế về diện tích, do vậy đồ nội thất nên ưu tiên sự đơn giản, tiết chế về số lượng cũng như trang trí. Điều này còn đảm bảo tối ưu về chi phí cho gia chủ. Bố trí tầng tum hợp lý không chỉ tạo không gian thông thoáng mà còn giúp bạn có thêm không gian thư giãn, sinh hoạt thoải mái.
Thứ ba, sử dụng các thiết bị có chức năng chống thấm. Tầng tum nằm trên cùng, dễ bị thấm dột sẽ ảnh hưởng tới kết cấu công trình và sinh hoạt ngày thường. Trong quá trình lên thiết kế cũng như thi công, cần lưu ý bổ sung thêm các thiết bị chống thấm như sơn chống thấm, nhựa đường, hóa chất chống thấm hay màng khò nóng.
Gợi ý các mẫu tầng tum đẹp năm 2024
Gợi ý 4 kiểu thiết kế tầng tum đẹp và phổ biến năm 2024:
Tum làm kho chứa đồ
Sử dụng tum làm kho chứa đồ là mục đích phổ biến nhất, điều này giúp gia chủ tận dụng được tối đa không gian, gọn gàng cho không gian sinh hoạt chính ở các tầng bên dưới. Để hỗ trợ cho việc sắp xếp đồ, chủ nhà nên dùng các đồ gia dụng thông minh như kệ, tủ, giá đỡ, hộc ngăn cách…
Tum làm phòng thờ
Phòng thờ thường chỉ chiếm không gian nhỏ và cần sự riêng biệt nên thích hợp đặt ở tầng tum. Tuy nhiên, khi thiết kế phòng thờ tum, cần lưu ý về hướng cũng như các biện pháp phòng tránh thời tiết xấu như mưa hắt, nắng nóng ảnh hưởng tới đồ thờ bên trong.
Tum làm nơi thư giãn
Tầng tum nếu muốn cải tiến thành nơi thư giãn, giải trí thì cần tạo không gian thoáng đãng và sạch sẽ. Gia chủ chỉ cần thêm bộ bàn trà nhỏ, trồng thêm cây xanh xung quanh. Nghỉ ngơi và chăm sóc cây là một trong những cách "xả stress" hiệu quả.
Tum làm phòng ngủ
Biến tầng tum thành phòng ngủ phụ là ý tưởng độc đáo, sẽ cho cảm giác mới lạ, phù hợp với gia đình có đông thành viên. Để đảm bảo không gian chủ tiêu chuẩn, phòng không nên quá bí hay thoáng gió, chú ý thêm các biện pháp giảm nóng, giảm ồn và thấm dột.
Như vậy, tầng tum là gì, là tầng trên cùng của căn nhà, có diện tích nhỏ hơn các tầng bên dưới. Tầng tum thường để phục vụ các hoạt động sinh hoạt phụ như thư giãn, chứa đồ hay phơi đồ, không phải là nơi sinh hoạt chính. Tầng tum khi thiết kế cần lưu ý quy định trong luật để tránh sai phạm./.