Chân dung ông Võ Sỹ Nhân

Theo thông tin từ VNG, vào ngày 11/1/2023 doanh nghiệp đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm ông Võ Sỹ Nhân làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2025 kể từ ngày 1/1/2023.

Ông Võ Sỹ Nhân – Tân chủ tịch HĐQT VNG.
Ông Võ Sỹ Nhân – Tân chủ tịch HĐQT VNG.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Hồng Minh - đồng sáng lập VNG - kể từ ngày 1/1/2023. Như vậy, ông Minh chỉ còn giữ chức Tổng Giám đốc VNG thay vì kiêm nhiệm như trước.

Ông Lê Hồng Minh (SN 1977) là nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG từ năm 2004. Ông cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, với sở hữu cá nhân gần 10% và đại diện gần 8% cổ phần.

Hoạt động này có thể là nhằm phù hợp với quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cụ thể là việc Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty đại chúng được quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Thông báo của VNG về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Hồng Minh và bầu ông Võ Sỹ Nhân giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2025 từ ngày 1/1/2023.
Thông báo của VNG về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Hồng Minh và bầu ông Võ Sỹ Nhân giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2025 từ ngày 1/1/2023.

Được biết, ông Nhân là 1 trong 4 thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022-2025 vừa mới được VNG bầu bổ sung ngày 10/12/2022, cùng với bà Christina Gaw, ông Edphawin Jetjirawat, và ông Nguyễn Lê Quốc Anh.

Tân Chủ tịch VNG cũng chính là Giám đốc điều hành Empire City, Phó Chủ tịch Công ty Tiến Phước, đồng thời là đồng sáng lập quỹ GAW NP Capital. Trong đó, quỹ Gaw NP Capital là một liên doanh giữa Gaw Capital Partners và NP Capital Partners.

Kể từ khi lấn sân sang lĩnh vực kinh tế tư nhân, ông Nhân đã thực hiện nhiều thương vụ bất động sản đình đám như: The Estella, Le Meridien Saigon Complex, trung tâm Nam Rạch Chiếc, OneHub Saigon. Trong danh sách các dự án nổi bật này còn có Empire City, tọa lạc tại Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

Dự án Empire City - một dự án gắn liền với tên tuổi của ông Võ Sỹ Nhân.
Dự án Empire City - một dự án gắn liền với tên tuổi của ông Võ Sỹ Nhân.

Dự án khu phức hợp tháp quan sát Empire City tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM với 1 số hạng mục lớn như tòa nhà cao 88 tầng, khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại…được TP.HCM cấp phép năm 2015.

Với 136 căn hộ, bao gồm căn hộ 2 phòng ngủ, 3 phòng ngủ, 4 phòng ngủ, duplex và penhouse, dự Án Empire City được khởi công xây dựng từ 19/02/2020 bởi Công ty Xây dựng CENTRAL trong vai trò Tổng thầu thi công kết cấu, hoàn thiện và MEP.

Dự án này có tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD), được góp vốn bởi Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái và một đối tác nước ngoài là Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) trực thuộc Gaw Capital Partners.

Có thể thấy, các doanh nghiệp mà ông Nhân điều hành có sự liên quan mật thiết đến nhau.

Ngoài các dự án kể trên, ông Võ Sỹ Nhân đã mua lại được dự án Indochina Land, bao gồm: Hyatt Regency Danang Resort & Spa, Indochina Plaza Hanoi và 2 dự án phát triển khác ở Đà Nẵng, TP. HCM.

Nên lưu ý rằng, trước khi gia nhập “đường đua” kinh tế tư nhân, ông Nhân từng làm việc cho sở kế hoạch và đầu tư TP. HCM ở vị trí công chức trong 8 năm.

Ông Võ Sỹ Nhân còn đảm nhận vị trí chủ tịch, là người đồng sáng lập nên liên doanh Naked Hub Việt Nam. Liên danh này sau đó đã được WeWork mua lại về mặt chiến lược.

Còn tại Gaw NP Industrial, ông Nhân là người đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của đơn vị này, với vốn đầu tư lên đến 200 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, ông Nhân còn đầu tư, quản lý những khu công nghiệp, kho bãi.

Vừa chào sàn chứng khoán, VNG dự kiến huy động hơn 1.200 tỷ đồng

Công ty cổ phần VNG (Vinagame) được thành lập năm 2004, là một công ty công nghệ, chuyên hoạt động trong lĩnh vực nội dung số và giải trí trực tuyến, mạng xã hội và thương mại điện tử. VNG có bốn mảng kinh doanh chính, bao gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng, thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ đám mây.

Mới đây, cổ phiếu của VNG bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ 5/1/2023 với mã VNZ, mức giá tham chiếu phiên đầu tiên là 240.000 đồng, tương ứng định giá hơn 360 triệu USD. Tuy nhiên, sau nhiều phiên giao dịch, cổ phiếu này vẫn chưa có lệnh nào được khớp do không có người bán ra.

Bên cạnh thông báo thay đổi nhân sự cấp cao, Hội đồng quản trị VNG cũng đã thông qua về phương án bán toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty cổ phần Công nghệ BigV, với mức giá gần 178.000 đồng mỗi cổ phần, VNG dự kiến huy động được 1.264,4 tỷ đồng từ thương vụ này.

Thông báo về việc VNG muốn bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho BigV.
Thông báo về việc VNG muốn bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho BigV.

VNG cho biết, số tiền này sẽ được dùng để mua bản quyền phần mềm trò chơi (764,4 tỷ đồng) và tiếp thị (500 tỷ đồng) trong hai năm 2023 và 2024.

Trước giao dịch, BigV là cổ đông sở hữu 4,6% vốn của VNG. Nếu mua lại toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ, công ty sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai với sở hữu 24,4%.

Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2022, VNG đạt gần 2.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021,kết quả, VNG báo lỗ sau thuế quý 254,5 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lãi 31,8 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ 138 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 150 tỷ đồng. Với kết quả này, đây là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận lỗ đậm.

Lũy kế 9 tháng, VNG ghi nhận doanh thu 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 764 tỷ đồng, trong khi 9 tháng năm ngoái lãi 196 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh này, VNG mới hoàn thành khoảng 56% kế hoạch doanh thu năm 2022, còn lợi nhuận sau thuế âm theo kế hoạch là khoảng 993 tỷ đồng.