Anh Minh (quê Hà Nội) đang làm việc tại Đại học Illinois (Chicago - Hoa Kỳ). Cách đây 5 năm, trước khi ra sân bay, trong gần 100kg hành lý được gói ghém cẩn thận, có một vật nhỏ bé, bình dị được anh Minh nâng niu gìn giữ như “báu vật”. Đó là chiếc khuôn gói bánh chưng được truyền từ thời ông cụ nội anh. Chiếc khuôn gỗ sau hàng chục năm “cha truyền con nối” đã lên màu bóng loáng. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ cho ra đời hàng trăm chiếc bánh chưng vuông vức, vừa vặn để góp phần làm nên hương vị Tết. Chiếc khuôn đã được anh Minh ấp ủ ý định mang sang xứ cờ hoa từ khi có lịch trình, “để mỗi dịp Tết mình sẽ cố gói lấy vài cái bánh chưng, dẫu chẳng được ngon như ở nhà nhưng là cách làm vơi đi nỗi nhớ quê hương và cũng phần nào cho các con nhỏ biết được truyền thống dân tộc” – anh Minh giãi bày. Và như thế, đã mấy mùa Tết qua, cái khuôn bánh chưng chắc hẳn độc nhất vô nhị ở nước Mỹ xa xôi đã được truyền tay tới nhiều du học sinh, người Việt ở đây, để mỗi nhà có thêm chút Xuân quê hương nơi đất khách.

Anh Thái Trung, một kỹ sư đang làm việc tại Newcastle (bang New South Wales – Úc) thì đã nhiều năm nay luôn làm chủ nhà, mời bạn bè, đồng nghiệp tới thưởng thức phong vị quê hương trong những ngày Tết Nguyên đán. Anh Trung cho biết, Úc có đông người Việt Nam học tập, làm việc tại đây, do đó các món đồ của Việt Nam cũng khá dễ kiếm. Tuy nhiên, cũng phải dạo qua vài siêu thị thì anh Trung mới có thể mua được một số món đặc trưng của Tết Việt như giò lụa, lá dong, gạo nếp... để làm các món cổ truyền. Khi gia chủ đã “lên món”, bạn bè, đồng nghiệp người Úc, người Việt lại suýt xoa, tấm tắc ngợi khen vị Tết.

Ở trời Âu, chị Thu Hương cùng gia đình đã định cư tại Đức hơn 10 năm nhưng Tết cổ truyền vẫn là thời gian nao nức, chộn rộn nhất. Không chỉ “giữ lửa” Tết Việt, gia đình chị Hương luôn gìn giữ tiếng nói và văn hóa Việt. “Vợ chồng tôi luôn cố gắng dạy và nói với con bằng tiếng mẹ đẻ để các em có thể hàng ngày, hàng giờ hiểu thêm về văn hóa dân tộc”- Chị Hương nói và cho biết thêm, năm nay gia đình tôi cùng một số bạn bè người Việt đã đặt trước 3kg lá dong, 10kg gạo nếp và 2kg đậu xanh để cùng nhau gói bánh chưng. Mọi người sẽ cùng nhau gói và mỗi nhà được 5 cái bánh tự mang về luộc.

Người Việt đón tết tại Nhật Bản.
Người Việt đón tết tại Nhật Bản.

Chia sẻ với Kinh doanh và Phát triển, chị Lê Thị Thương – Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam vùng Kansai (Nhật Bản) cho biết, Hội được thành lập được 16 năm dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh sứ quán Việt Nam tại Osaka. Trong 16 năm hoạt động Hội đã có nhiều các chương trình ý nghĩa hỗ trợ kiều bào cũng như hướng về quê hương như xây dựng nhà tình nghĩa, tổ chức các chương trình thiện nguyện đến đồng bào miền Trung khi bão lũ, ủng hộ trong đại dịch Covid-19, đặc biệt là chương trình Xuân quê hương tại Nhật Bản. Năm 2022, cộng đồng người Việt ở Nhật Bản đã ổn định cuộc sống sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp dần dần khôi phục lại kinh tế. Việc các chuyến bay thương mại thường xuyên cũng tạo điều kiện cho bà con về thăm quê cũng như làm ăn.

Cộng đồng người Việt tại Kansai đón chào năm mới.
Cộng đồng người Việt tại Kansai đón chào năm mới.

Được biết, sau hai năm phải tạm dừng do đại dịch, năm nay Hội người Việt Kansai tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương và cơ quan đại diện tổ chức chương trình Xuân quê hương. Đây là chương trình thường niên của Hiệp hội người Việt Nam tại Kansai vào mỗi độ Tết cổ truyền cận kề. Chương trình có các tiết mục văn nghệ như múa lân, lì xì, cho chữ và cả các món ăn mang đậm phong tục ngày Tết Việt Nam. Nhắn gửi cộng đồng người Việt tại Kansai nói riêng, tại Nhật Bản nói chung, Chủ tịch Lê Thị Thương mong muốn mỗi người Việt ở nước bạn luôn góp sức xây dựng một cộng đồng vững mạnh cũng như đóng góp một phần nhỏ nguồn lực cho quê hương và lời chúc năm mới thắng lợi.

Có thể nói, những người con đất Việt dù ở nơi đâu cũng đều hướng về quê hương đất nước và mong muốn được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tết cổ truyền là dịp để mỗi người con xa xứ cảm nhận rõ hơn tình yêu gốc rễ cội nguồn và tận hưởng không khí gia đình đầm ấm sum vầy.