Tháng 7, tỉnh Lâm Đồng có 1.412 giao dịch đất nền
Theo báo cáo của 42/42 tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 7, phân khúc đất nền trên địa bàn có 1.412 giao dịch. Trong đó, 98,7 % là đất nền trong khu dân cư hiện hữu, với 1.395 giao dịch; 1,3% còn lại là 17 giao dịch đất nền phát triển theo các dự án tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
Nguồn: Sở Tư Pháp tỉnh Lâm Đồng |
So với tháng 6/2023, phân khúc đất nền đã tăng 92 giao dịch (từ 1.319 giao dịch lên 1.412 giao dịch). Tuy nhiên, số lượng giao dịch đất nền phát triển theo các dự án có xu hướng giảm, từ 34 giao dịch ở tháng 6 giảm còn 14 giao dịch ở tháng 7.
Xét theo địa phương, lượng giao dịch đất nền, tại huyện Bảo Lâm dẫn đầu với 386 giao dịch, đứng sau là huyện Lâm Hà có 273 giao dịch, huyện Đức Trọng có 259 giao dịch, huyện Di Linh có 144 giao dịch, thành phố Bảo Lộc có 108 giao dịch, thành phố Đà Lạt chỉ có 106 giao dịch.
6 huyện có dưới 100 giao dịch đất nền bao gồm: huyện Đam Rông 35 giao dịch, huyện Lạc Dương có 30 giao dịch, huyện Đơn Dương có 70 giao dịch, huyện Hạ Huoai có 63 giao dịch, huyện Đạ Tẻh có 37 giao dịch và huyện Cát Tiên có duy nhất 1 giao dịch.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, phân khúc nhà ở riêng lẻ của Lâm Đồng chỉ có 148 giao dịch. Với lượng giao dịch chủ yếu nằm ở nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu với 145 giao dịch nằm ở 3 địa phương là TP. Đà Lạt (39 giao dịch), TP. Bảo Lộc (49 giao dịch) và huyện Đức Trọng (47 giao dịch). Nhà ở phát triển theo dự án chỉ có 3 giao dịch nằm ở TP. Bảo Lộc (2 giao dịch) và huyện Bảo Lâm (1 giao dịch). Nếu so với tháng 6/2023 thì lượng giao dịch trong tháng 7/2023 của địa phương đã giảm 8 giao dịch.
Ở phân khúc căn hộ cung cư, giao dịch có phần chững lại khi cả tháng 7 chỉ có 3 căn hộ được giao dịch thành công. 3 căn hộ này đều nằm ở TP. Đà Lạt với diện tích dưới 70m2, căn hộ với diện tích trên 70m2 không ghi nhận có giao dịch nào.
Bên cạnh đó, ở phân khúc văn phòng cho thuê và mặt bằng thương mại, dịch vụ cũng giao dịch chậm. So với tháng 6 số lượng giao dịch này đã giảm 14 giao dịch từ 61 giao dịch còn 47 giao dịch.
Cụ thể, ở phân khúc văn phòng cho thuế ghi nhận có 13 giao dịch, trong đó, TP. Đà Lạt có 10 giao dịch, TP. Bảo Lộc có 3 giao dịch. Ở mặt bằng thương mại dịch vụ có tất cả 34 giao dịch thành công trong đó, 24 giao dịch nằm ở TP. Đà Lạt, 1 giao dịch ở TP. Bảo Lộc, 1 giao dịch ở huyện Đơn Dương, 8 giao dịch ở huyện Đức Trọng.
Được biết, trước đây Lâm Đồnng là một trong những địa phương ghi nhận điểm sốt nóng trên thị trường bất động sản. Cách đây khoảng 2-3 năm về trước, nhà đầu tư ở khắp nơi trên cả nước đã đổ xô mua đất nền, khiến địa phương này có lượng giao dịch khủng và trở thành một trong số những địa phương đứng đầu cả nước về giao dịch đất đai.
Theo thống kê, năm 2021, tỉnh có trên 40.000 lô đất nền được giao dịch và năm 2022 là hơn 47.500 lô với giá trị khoảng 32.270 tỷ đồng. Đến khi thị trường rơi tự do, hoạt động mua bán đất nền tại Lâm Đồng chững lại từ cuối năm ngoái trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn và chính quyền tỉnh này cũng có nhiều động thái để ngăn chặn việc phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh cũng ra nhiều văn bản liên quan đến việc tách hợp, thửa đất và cảnh báo nhà đầu tư cần tỉnh táo không nên đón sóng, ăn theo ý tưởng quy hoạch các dự án.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu quay lại thị trường. Dòng tiền đầu tư bất động sản sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn tới. Người mua vẫn sẽ xuống tiền giao dịch tại những thị trường có tiềm năng và có thể khai thác được chứ không mua bán ồ ạt như trước.