ISSN-2815-5823
Duy Khánh
Thứ hai, 10h38 08/07/2024

Thị trường dược phẩm và cuộc cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn

(KDPT) - Thị trường dược phẩm đã chứng kiến cuộc đua "tam mã" bao gồm: Pharmacity, FPT Long Châu, An Khang. Ngoài ra, có không ít các "ngựa ô" đang tìm cách bứt phá, xoay chuyển tình thế.
Thị trường dược phẩm và cuộc cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn - ảnh 1

Thị trường dược phẩm "màu mỡ" ra sao?

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới. 

Hiện cả nước có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc, 238 nhà máy sản xuất thuốc dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) và tương đương…

Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỉ USD trong năm 2015 lên hơn 7 tỉ USD vào năm 2023, dự báo đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2026.

Theo báo cáo đánh giá triển vọng ngành dược phẩm Việt Nam của Chứng khoán Rồng Việt, tốc độ tăng trưởng của ngành dược khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2023.

Trong đó: Doanh thu trên kênh ETC (bệnh viện) đạt 3,4 tỷ USD tăng 18%, chiếm 40% quy mô thị trường. Bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua Luật khám, chữa bệnh sửa đổi số 15/2023/QH15, nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc gia hạn số đăng ký thuốc, Thông tư số 06/2023/TTBYT về việc tháo gỡ khó khăn trong việc đấu thầu thuốc tại cơ sở công lập.

Doanh thu trên kênh OTC (các loại thuốc bán không cần kê đơn thông qua chỉ dẫn của bác sĩ tại điểm bán) đạt 5,1 tỷ USD giảm 1%, thị phần bị thu hẹp, chiếm tỷ trọng 60% quy mô thị trường.

Người dân đang chi tiêu nhiều hơn dành cho dược phẩm nhờ thu nhập bình quân tăng lên. Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép +7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

Trong môi trường chính sách thuận lợi, VDSC cho rằng kênh ETC sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành dược trong năm 2024.

Tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ

Với sự "màu mỡ" của thị trường dược phẩm, không ngạc nhiên khi rất nhiều "ông lớn" đã gia nhập thị trường tạo nên hình thái "quần ngư tranh thực".

Những năm gần đây, các doanh nghiệp tham gia mảng này đã nhân rộng hệ thống với tốc độ thần tốc.

Với gần 1.800 nhà thuốc phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, FPT Long Châu hiện đang dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm về số lượng cửa hàng, tiếp theo là Pharmacity và An Khang.

Trước đó, Pharmacity dẫn đầu, nhưng đã đóng bớt cửa hàng trong quá trình tái cơ cấu, đưa số lượng cửa hàng xuống dưới ngưỡng 1.000. Chuỗi nhà thuốc An Khang hiện có 527 nhà thuốc, doanh thu năm 2023 đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2022.

Ngoài việc chạy đua mở rộng hệ thống, các doanh nghiệp cũng cạnh tranh quyết liệt để hiện diện tại những vị trí đắc địa, đồng thời dần tiến vào các khu dân cư nhằm tối đa doanh số bán lẻ.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FRT Retail cho biết, doanh nghiệp tiếp tục xác định Long Châu là động lực tăng trưởng trong thời gian tới khi tiếp tục đầu tư để mở mới chuỗi nhà thuốc tại nhiều địa bàn.

Trong khi đó, Thế giới Di động (sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang) xác định, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ hiện diện ở những vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận, có diện tích nhỏ gọn (khoảng 30-40 m2), nhưng vẫn đảm bảo yếu tố trưng bày và đủ thuốc để phục vụ hầu hết nhu cầu của khách hàng. 

Tuy nhiên, việc nhân rộng chuỗi nhà thuốc cần phải đi đôi với việc mở rộng danh mục đầu thuốc, đảm bảo sẵn sàng cung ứng các loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn, hạ tầng logistics của chuỗi phải đáp ứng lượng giao dịch lớn trên toàn quốc, đặc biệt là phải ứng dụng số hóa trong các khâu của nhà thuốc.

Để đáp ứng tốc độ mở rộng “thần tốc” và phục vụ lượng giao dịch lớn, năm 2023, hệ thống nhà thuốc Long Châu đã chính thức đưa 2 kho tổng vào hoạt động với diện tích lên đến 35.000 m2 tại Hà Nội và 45.000 m2 tại Long An. Kho tổng của Long Châu được xem là kho bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam cả về diện tích và quy mô.

Kho tổng Long Châu được phân khu hàng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trong lĩnh vực dược phẩm như GDP, GPP, FM và đáp ứng các điều kiện trữ lạnh chuyên biệt của dược theo chuẩn GSP. Khả năng đáp ứng vận hành của kho trung bình khoảng 70.000 đơn hàng và hơn 200 chuyến xe mỗi ngày đến hệ thống nhà thuốc Long Châu khu vực miền Nam.

Tương tự, Thế giới Di động cho biết, sẽ đầu tư theo chiều sâu để biến An Khang trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khoẻ.

Lý giải cho sự tăng trưởng của ngành dược, SSI Research nhấn mạnh mức độ phủ sóng thần tốc của các chuỗi nhà thuốc lớn như Long Châu, An Khang và Pharmacity đã kích thích nhu cầu về dược phẩm trên toàn quốc. Và có thể nói, đây là những ông lớn đã sớm nhận diện cơ hội này và đang tăng tốc mở rộng quy mô, với tham vọng hợp nhất thị phần.

Không chỉ mở rộng chuỗi bán lẻ dược phẩm, các "tay chơi" như FPT Long Châu còn lấn sân sang tiêm chủng.

Thương hiệu này đang sở hữu gần 90 trung tâm tiêm chủng trải dài trên toàn quốc.

Cuộc đua gay cấn của các "ông lớn"

Với một thị trường đầy tiềm năng như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm cũng thể hiện sự cạnh tranh gay gắt, mà nổi lên là cuộc đua của các "tay chơi" chính: Pharmacity, An Khang, Long Châu. 

Thị trường dược phẩm và cuộc cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn - ảnh 2

Ra mắt thị trường vào năm 2011 và sau hơn 10 năm, chuỗi Pharmacity hiện đang dẫn đầu thị trường về số lượng cửa hàng. Pharmacity hiện đã có hơn 4000 cửa hàng, trong đó có gần 900 nhà thuốc. Chuỗi nhà thuốc này còn đang được hậu thuẫn bởi Mekong Capital với kế hoạch đầy tham vọng đưa thương hiệu đạt mức doanh thu hơn 3 tỷ USD và đội ngũ nhân viên hơn 35.000 người. Mục tiêu của Pharmacity được đánh giá là tham vọng và không dễ thực hiện, vì đi cùng với mở rộng cửa hàng là nhiều công việc khác phải chuẩn bị như nguồn hàng, kho thuốc…, dù dư địa của thị trường bán lẻ dược phẩm còn lớn.

Thị trường dược phẩm và cuộc cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn - ảnh 3

Ông lớn thứ hai trong ngành là nhà thuốc An Khang - được Thế Giới Di Động bắt đầu đầu tư vào từ đầu năm 2018 với thương vụ chi 62 tỷ đồng để nắm 49% tỉ lệ sở hữu. Tuy nhiên sau đó không có nhiều hoạt động đẩy mạnh thương hiệu vì mới trong giai đoạn “thử nghiệm”. Phải đến đầu tháng 11/2021, khi thị trường dược phẩm nở rộ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thế Giới Di Động mới mua tiếp 1,294 triệu cổ phiếu của An Khang với giá phí hợp nhất kinh doanh là hơn 52 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc nâng tỉ lệ sở hữu tại An Khang lên 100%.

Việc An Khang chính thức trở thành công ty con của Thế Giới Di Động được Chủ tịch Nguyễn Đức Tài lý giải là để chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai. Ông Tài cho rằng, muốn kiếm lợi nhuận trong ngành thuốc thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc. An Khang đặt mục tiêu năm 2024 đạt 125.000 tỷ đồng doanh thu và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và gấp 14,2 lần so với năm 2023. Trong định hướng năm nay đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, mục tiêu của công ty là tăng trưởng hai con số và đạt điểm hòa vốn trước ngày 31/12. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đầu tư chiều sâu để biến An Khang trở thành chuỗi dược phẩm hàng đầu về chăm sóc sức khỏe.

nha thuoc long chau
nha thuoc long chau

Cái tên thứ 3 trong cuộc đua “tam mã” này đó là Long Châu. Có thể nói đây là thương hiệu có bước phát triển thần tốc trong thị trường dược phẩm, y tế bởi họ mới chỉ trình làng chưa đầy 10 năm kể từ khi về tay FPT Retail. Theo dự báo trước đó của các chuyên gia chứng khoán Rồng Việt, Long Châu sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường vốn đã có sự khắt khe về mặt thị phần. Tuy nhiên, trải qua thời kỳ dịch bệnh, khác với các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu bị đóng cửa, Long Châu đã lớn nhanh như “Thánh Gióng”. Đến cuối năm 2023, FPT Long Châu cán mốc hơn 1.600 nhà thuốc, trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm có số lượng nhà thuốc lớn nhất Việt Nam. Tới tháng 7/2024, doanh nghiệp hiện có 1.789 nhà thuốc trên toàn quốc và gần 100 trung tâm tiêm chủng, từng bước thực hiện cam kết "phục vụ sức khỏe cộng đồng bằng sản phẩm tốt, chi phí hợp lý".

Thực tế, dù thấp hơn về quy mô, song chỉ số kinh doanh của Long Châu đã sớm vượt xa Pharmacity khi Long Châu cho biết đang duy trì được mức doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng ở mức gần 1,2 tỷ đồng.

Thừa thắng xông lên, Long Châu cũng vừa tăng gấp đôi vốn để đầu tư mạnh vào chuỗi dược, tập trung "đánh" về vùng tỉnh, vùng sâu vùng xa, song song nâng cao trải nghiệm khách hàng. Những tín hiệu quyết liệt thời gian gần đây đặt ra câu hỏi sẽ sớm có câu trả lời: “Long Châu đến 2025 có tham vọng vượt Pharmacity không?"

Mới nhất, một “tân binh” là Trung Sơn Pharma không giấu tham vọng tăng cường hơn nữa sự hiện diện của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026, tức gấp 3 lần hiện tại và tiến vào thành phố lớn - nơi Pharmacity, Long Châu, An Khang... đang tranh nhau quyết liệt.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi chuỗi nhà thuốc này đón nhận cổ đông lớn là Tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) ký hợp đồng mua 51% cổ phần Trung Sơn Pharma (theo Business Korea).

Trung Sơn Pharma là chuỗi nhà thuốc lâu đời lớn nhất miền Tây, với quy mô chuỗi hơn 140 cửa hàng, tập trung chính ở Tp. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Cà Mau và có 2 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh.

Đây là sự nghiệp của hai nhà sáng lập xuất thân ngành y: bác sĩ Trương Thanh Sơn và dược sĩ Trương Hoàng Thanh Trúc.

Ghi nhận trên website, Trung Sơn Pharma cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B) với danh mục lên đến 2.750 SKUs.

Ngoài ra, Trung Sơn Pharma còn sở hữu một thẩm mỹ viện Trung Sơn Cosmetic, một trung tâm mỹ phẩm và một trang thương mại điện tử TrungSonCare.com.

Thế trận sẽ ra sao?

Bộ 3 Pharmacity - Long Châu - An Khang thực sự đã tạo nên nhiều thay đổi trong thị trường dược phẩm được đánh giá là chậm đổi mới ở Việt Nam. 

Thị trường dược phẩm và cuộc cạnh tranh khốc liệt của các ông lớn - ảnh 5

Cốt lõi của sự tăng trưởng tại FPT Long Châu nằm ở chiến lược mặt hàng đa dạng và giá thuốc cạnh tranh, điều mà bà Điệp cho biết “đến 80% mặt hàng thuốc có giá rẻ hơn so với mặt bằng chung của thị trường”. Khách hàng của Long Châu được chia làm 2 nhóm. Một là khách vãng lai với đơn thuốc cảm, sổ mũi, doanh thu mỗi đơn hàng của nhóm này khoảng 20.000-30.000 đồng/đơn hàng. Nhóm thứ 2 là nhóm khách hàng có bệnh mãn tính, trung thành hơn và doanh thu mỗi đơn hàng của nhóm này cũng cao hơn rất nhiều, trung bình hơn 200.000 đồng/đơn hàng.

Chính vì thế, việc "đánh mạnh" về nông thôn sẽ có lợi thế khi mặt bằng ở đây rẻ hơn và thói quen mua sắm thuốc đã hình thành từ trước. Theo bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FPT Retail kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu, đối với khách hàng bệnh mãn tính, trung bình người dân các tỉnh sẽ bắt xe lên thành phố lân cận để khám và mua thuốc mỗi tháng tối thiểu 1 lần. Về định lượng, các cửa hàng đạt doanh thu 500-600 triệu đồng/tháng sẽ hòa vốn tại cửa hàng và công ty đặt mục tiêu đạt được mức này trong 6 tháng. Theo bà Điệp, việc mở nhiều chi nhánh mới có tác động tiêu cực đến doanh thu các chi nhánh cũ nhưng thiệt hại không đáng kể. “Số ngày hòa vốn của các tuyến huyện tốt hơn so với thành phố vì giá thuê rẻ và ít cạnh tranh hơn”, bà Điệp cho biết.

Trong khi đó, ở khu vực thành thị, nơi mặt bằng đắt đỏ và cạnh tranh hơn thì với chiến lược giữ giá thuốc, Long Châu buộc phải tính đường dài hơn là trợ giá để thu hút khách hàng nhằm cạnh tranh với các nhà thuốc địa phương. Cho đến nay, ở thị trường thành phố, ít ai biết rằng các nhà thuốc địa phương mới là đối thủ Long Châu coi trọng nhất do có lợi thế về chi phí thuê mặt bằng (thuộc chủ nhà) và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt (do chủ nhà thuốc là người thường xuyên tham gia bán hàng).

"Đại gia" Pharmacity đang trên đà phục vị lại vị thế chuỗi nhà thuốc hàng đầu bằng việc định hình lại hoạt động kinh doanh của mình xoay quanh chiến lược cung cấp đủ thuốc, dịch vụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người dân với mức giá cạnh tranh.

Minh chứng cho điều đó là thời gian qua, Pharmacity đã giảm giá thành của các sản phẩm đáng kể, cụ thể là của hơn 1,000 mặt hàng thuốc. Giá thuốc tại Pharmacity hiện tại đang ở mức ưu đãi hơn so với hàng ngàn hiệu thuốc địa phương khác. Ông Deepanshu Madan, Tổng Giám đốc Pharmacity bày tỏ tin tường qua việc tận dụng lợi thế quy mô chuỗi để thương lượng giá tốt nhất, Pharmacity đang có mức giá mới cạnh tranh mà ít nhà thuốc nào có thể làm được. "Chúng tôi quyết tâm với chiến lược này để đảm bảo mang đến cho khách hàng các sản phẩm chất lượng tốt với mức giá cạnh tranh" - ông Deepanshu Madan nói.

Còn với An Khang, theo báo cáo kinh doanh cuối năm 2023, chuỗi này hiện có 527 nhà thuốc, tăng 27 điểm bán với thời điểm đầu năm. Dù vậy, đây chưa phải là con số cao nhất trong năm bởi có những tháng công ty ghi nhận mạng lưới lên đến 540 cửa hàng, nhưng sau đó phải tạm ngưng mở rộng và đóng cửa những nơi kinh doanh không hiệu quả để tập trung tăng doanh thu và cải thiện hiệu quả hoạt động trên mỗi cửa hàng nhằm đạt mục tiêu hoà vốn. 

Chuỗi nhà thuốc này mang về doanh thu cả năm 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với năm trước. Doanh thu bình quân hàng tháng vào cuối năm 2023 là khoảng 450 triệu đồng mỗi cửa hàng, tăng đáng kể so với mức 280 triệu hồi đầu năm. 

Trong định hướng kinh doanh năm 2024, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xác định mô hình kinh doanh của An Khang là chuỗi nhà thuốc ở những vị trí thuận tiện, dễ tiếp cận, có diện tích nhỏ gọn trong khoảng 30-40 m2 nhưng vẫn đảm bảo yếu tố trưng bày và đủ thuốc để phục vụ hầu hết nhu cầu của khách hàng. Ước tính, thuốc sẽ chiếm khoảng 65-70% danh mục sản phẩm kinh doanh. 

Ban lãnh đạo Công ty kỳ vọng chuỗi nhà thuốc này sẽ tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và đạt điểm hoà vốn trước cuối năm.

Ngoài cuộc đua "tam mã", thị trường cũng đã xuất hiện nhiều đối thủ tiềm tàng khác. Có thể kể tới như: Phano Pharmacy với hơn 40 nhà thuốc, ECO pharma với 10 nhà thuốc, MEDiCARE với 86 nhà thuốc,... Bên cạnh đó, nhiều công ty mới cũng lấn sân vào thị trường, bao gồm Wincommerce và Viettel.

Cũng không thể kể tới "đội quân nhỏ lẻ" gồm các nhà thuốc tư nhân, vốn chiếm tới 80% thị trường.

Kinrin Capital nhận định, bức tranh đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động, cơ hội đầu tư rộng mở, các đặc điểm, tính chất thương vụ và đối tượng bên mua - bán đa dạng hơn. Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực này.

Do vậy, trong cuộc đua tranh giành thị phần hiện nay, việc tìm hướng đi mới là rất quan trọng với các chuỗi bán lẻ hiện đại. Phần thắng sẽ thuộc về những chuỗi bán lẻ biết thích ứng nhanh với xu hướng mới của người tiêu dùng, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của khách hàng và đặc biệt phải có nền tảng tài chính vững vàng mới có thể chiến thắng.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/10/2024