Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặc dù thị trường tiền ảo đang ở giai đoạn tăm tối nhất trong mấy năm trở lại đây nhưng dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực này vẫn tăng trưởng một cách ấn tượng. Bất chấp sự ảm đạm nói chung, vẫn đang có hàng chục tỷ USD được đổ vào thông qua nguồn đầu tư mạo hiểm.

Theo báo cáo của Dove Metrics, trong 6 tháng đầu năm 2022, các công ty tiền ảo đã tổ chức khoảng 1.200 vòng gọi vốn với số tiền huy động được lên tới 30 tỷ USD. So với cả năm 2021 chỉ thu hút được 27 tỷ USD thì nửa đầu năm 2022, với 30 tỷ USD, rõ ràng thị trường tiền điện tử đang tạo một "cơn sốt" với giới đầu tư. So với cùng kỳ 2021, số lượng thương vụ gọi vốn cho tiền ảo đã tăng gấp đôi (hơn 600 thương vụ) cùng với giá trị vốn tăng gấp 3 (khoảng 11 tỷ đồng).

Trong đó, nổi bật lên là xu hướng đầu tư vào lĩnh vực: Tài chính tập trung với 10,3 tỷ USD; GameFi, NFT và Metaverse với 5,4 tỷ USD; Cơ sở hạ tầng blockchain nói chung là 9,7 tỷ USD; Tài chính phi tập trung đã được rót 2,4 tỷ USD.

Xét về quy mô trung bình của mỗi vòng gọi vốn trong lĩnh vực tiền ảo đang có giá trị vào khoảng 500 triệu USD, con số cao vượt trội so với nửa cuối 2021. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang được các quỹ đầu tư không ngừng đổ vào thị trường này.

Tuy nhiên, theo nhận định, trong nửa cuối năm 2022, dòng vốn đổ vào thị trường tiền ảo sẽ giảm cả về số lượng lẫn giá trị từng thương vụ. Giám đốc Điều hành Quỹ Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam Duy Trần lý giải, nguyên nhân nằm ở thị trường chung đang giảm, do đó, các quỹ đầu tư sẽ phải xem xét kỹ hơn khi đầu tư vào từng dự án cụ thể.

Mặc dù vậy, động thái này sẽ tạo ra mức độ lành mạnh hơn cho dòng vốn, tạo điều kiện cho các dự án làm nghiêm túc và cần thời gian phát triển sản phẩm. Điều này cũng có lợi cho các dự án đang là thế mạnh của Việt Nam như: NFT, Gaming … vốn cần nhiều thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm hướng tới một sản phẩm có chất lượng dành cho người dùng, ông Duy Trần nhận định.