Thủ tướng đề nghị tỷ phú Phạm Nhật Vượng xây tàu điện ngầm nối TP.HCM với Cần Giờ
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, chiều 4/1, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về các định hướng, ưu tiên phát triển của TP.HCM theo Quy hoạch, đến năm 2050, TP.HCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.
Quy hoạch xác định 2 hành lang; 3 tiểu vùng; 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển; cấu trúc không gian đa trung tâm.
2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua TP.HCM và hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp.
3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng thành phố Thủ Đức; tiểu vùng khu vực ngoại thành.
9 trục không gian chủ đạo gồm 4 trục Đông - Tây và 5 trục Bắc - Nam; 1 trục không gian ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TP.HCM đến Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai.
Theo quy hoạch, TP.HCM hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm, trong đó khu vực đô thị trung tâm (16 quận nội thành) giữ vai trò là hạt nhân, đầu não và động lực tăng trưởng của toàn thành phố; thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới; sắp xếp khu vực ngoại thành (5 huyện) trên cơ sở hình thành 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 và 4 đô thị vệ tinh tầm nhìn đến năm 2050, là những đô thị trực thuộc thành phố.
Phải xây dựng thành phố hiện đại, thông minh, đủ sức cạnh tranh quốc tế
Tờ Vietnamnet cho biết, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Quy hoạch đã được phê duyệt, việc còn lại là thực hiện thế nào để mang lại sự phát triển bền vững cho TP.HCM và cả nước.
Thủ tướng cũng thông tin từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã hoàn thành được 111/111 quy hoạch. Trong đó, ông đặc biệt ấn tượng với quy hoạch của TP.HCM.
“TP.HCM đã đầu tư công sức, trí tuệ để tạo ra một Quy hoạch phát huy vai trò đầu tàu, giá trị biểu tượng luôn luôn đổi mới. Quy hoạch thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tư duy đổi mới rất rõ và quyết tâm cũng rất lớn. Các đồng chí cũng nên tự hào với thành quả của mình”, Thủ tướng chia sẻ.
Để triển khai thực hiện quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM thực hiện “2 tăng cường và 3 tiên phong”.
Cụ thể, trước hết là tăng cường đầu tư cho con người. Thứ hai là tăng cường kết nối với các vùng với kinh tế, với cả nước bằng hạ tầng giao thông, hạ tầng số, các chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường...
"3 tiên phong", theo Thủ tướng, gồm: Phát triển hạ tầng chiến lược giao thông, hạ tầng số, y tế, xã hội, thể thao, hạ tầng cứng và mềm; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ và chuyển đổi số; thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và giữ chân nhân tài.
Thủ tướng cũng lưu ý khi triển khai thực hiện quy hoạch không bảo thủ, khi phát sinh các vấn đề mới cần cập nhật, có thay đổi.
"TP.HCM phải xây dựng thành phố hiện đại, thông minh, gắn kết vùng, đủ sức cạnh tranh quốc tế và là động lực cho vùng, cực tăng trưởng của đất nước”, Thủ tướng lưu ý.
Tại hội nghị, Thủ tướng thông tin thêm về việc đã đề nghị tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến huyện Cần Giờ.
"Tôi có trao đổi anh Vượng, Chủ tịch Vingroup về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh Vượng đã đồng tình và rất say sưa với đề nghị này", Thủ tướng nói.
Từ việc này, Thủ tướng gợi ý với TP.HCM là phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn. Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch.
Liên quan đến dự án này, Tuổi trẻ cho biết, tháng 7/2024, Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã thống nhất đề xuất nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ vào hợp phần giao thông trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Tuyến đường sắt này xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng sau chuyến đi khảo sát, kiểm tra, làm việc tại huyện Cần Giờ năm 2023 (ngày 18/7/2023), sau đó Thành ủy, UBND TP cũng có chủ trương và chỉ đạo.
Về hướng tuyến, hai sở thống nhất cần quy hoạch định hướng một số vị trí khống chế, để có thể nghiên cứu điều chỉnh cục bộ hướng tuyến trong các bước tiếp theo. Tương tự, việc đi trên cao hoặc đi ngầm cũng cần bổ sung nguyên tắc để có thể xem xét điều chỉnh ở các bước triển khai tiếp theo.
Trước đó, từ năm 2023, các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM cũng đề xuất TP.HCM cần nghiên cứu mở thêm 3 tuyến metro mới, trong đó có tuyến đường sắt đô thị vượt sông Soài Rạp sang Cần Giờ, kết nối đến khu đô thị du lịch 2.870ha lấn biển Cần Giờ./.
- Tái hiện Lễ mừng cơm mới của đồng bào Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
- Kunjek - Thương hiệu kim khí gia dụng Việt chiếm ngôi vị hàng đầu trên Amazon
- Sun Group cất nóc tòa căn hộ đầu tiên tại đô thị nghỉ dưỡng Hà Nam