Tái hiện Lễ mừng cơm mới của đồng bào Thái tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Các hoạt động có khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer) tham gia
Thông qua các hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam. Đồng thời góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Các hoạt động tháng 1 với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào của 16 dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer của các địa phương Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
Trong đó, điểm nhấn là hoạt động “Xuân về bản em” bao gồm chương trình dân ca dân vũ “Đón xuân ở bản em” của các nhóm đồng bào phía Bắc; Tái hiện Lễ tạ ơn của dân tộc Dao; chương trình giao lưu “Xuân về trên cao nguyên” của các dân tộc Tây Nguyên; dựng cây Nêu ngày Tết; Bữa cơm đoàn viên của các dân tộc hoạt động tại Làng; Hội xuân vui đón tết Nguyên đán năm 2025 và các hoạt động tâm linh chúc phúc, cầu an dịp năm mới Ất Tỵ…
Đặc biệt, trong ngày đầu năm mới 2025 đã diễn ra chương trình Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 với điểm nhấn là chương trình tái hiện Lễ “mừng cơm mới” của dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa.
Chương trình đã giới thiệu nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để người thân trong gia đình, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Khi cây lúa bắt đầu ngả màu vàng là các gia đình trong bản của người Thái tính chuyện chọn ngày lành để tổ chức Lễ mừng cơm mới. Phong tục này xuất phát từ niềm tin của người Thái, họ cho rằng, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Trong lễ mừng cơm mới, thầy Mo đóng vai trò là chủ lễ, là người kết nối giữa cộng đồng với các thần linh, đọc các bài văn khấn gửi tới các thần linh, ông bà tổ tiên, nhằm bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên và công ơn sinh thành của cha mẹ, mừng mùa màng thắng lợi và cầu cho con cháu khỏe mạnh, mưa thuận, gió hòa giúp năm sau lại có những mùa vụ tươi tốt.
Trong lễ mừng cơm mới, ông bà, cha mẹ cũng sẽ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đạo lý lối sống đúng mực ở đời. Đặc biệt người Thái không làm giỗ cho người đã mất, nên hàng năm nhân ngày cơm mới, ngày làm vía cũng như các ngày khác gia chủ sẽ mời những người đã khuất về chung vui cùng với con cháu.
Đây là niềm vui trọn ven nhất của mọi nhà trong họ, trong bản sau một năm làm việc vất cả để nghỉ ngơi, vui chơi, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Đó là khoảnh khắc giao cảm với mùa cũ và mùa mới, giữa trời và đất, giữa cõi sống và cõi chết./.