Thủ tướng thúc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội
Đó là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Chỉ thị số 12/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa được ký ban hành ngày 21/4/2024.
Theo đó, tại chỉ thị trên, trước tính hình tỷ giá và giá vàng trong nước thời gian gần đây diễn biến thất thường, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả;
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng. Điều tiết kịp thời, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế hiệu quả, khả thi, kịp thời; thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, nhất là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai xử lý đối với các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã được cấp có thẩm quyền cho chủ trương…
Liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trước đó tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng chủ trì được tổ chức vào ngày 16/3 vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, nguồn vốn 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Theo Bộ Xây dựng, đến nay đã có 127 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 61 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào Danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương. “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay”, Bộ Xây dựng cho biết. Tham dự hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay sau Đề án và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành, NHNN đã kêu gọi và nhận được sự đồng tình của 4 NHTM Nhà nước và đến nay có thêm một NHTM cổ phần nữa tham gia và tổng giá trị gói này là 125.000 tỷ đồng. Về việc cho vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định, quy chế cho vay hiện hành, đến nay, trên cơ sở các dự án công bố của các địa phương, các NHTM đã cam kết trên 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên, phần giải ngân mới được gần 700 tỷ đồng. |