Chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã hỗ trợ rất nhiều trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã hỗ trợ rất nhiều trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Mục đích chuyển đổi số trong y tế

Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong quyết định 749 của Chính phủ về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến 2025 -2030. Trong đó đã chỉ rõ tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa nhà nước phải hình thành bộ phận y tế từ xa. Như vậy, khi triển khai từ khám bệnh trực tiếp sang trực tuyến cũng dựa trên nền tảng thiết bị từ xa. Đây là những thuận lợi vì đã có những định hướng của Chính phủ, đã có sự chỉ đạo trong chuyển đổi số của Bộ Y tế để các cơ sở y tế có căn cứ và yêu cầu cần phải thực hiện thì giúp cho việc thúc đẩy câu chuyện bác sĩ số được nhanh hơn hiệu quả hơn và rõ ràng hơn.

Việc triển khai phòng khám số mang lại sự ưu việt hơn hẳn vì gần như không phải sử dụng giấy tờ, bệnh nhân không cần mang theo sổ khám mà chỉ cần cài “App” trên điện thoại, ipad để đặt lịch khám. Các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đã phối hợp với Ban Công nghệ thông tin để hoàn thiện, chuẩn hóa phòng khám số, triển khai cho cán bộ, nhân viên cài đặt “App”, tham gia khám thí điểm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Bệnh viện. Khoa cũng sẽ phối hợp với các khoa, phòng, ban trong Bệnh viện đưa kết quả xét nghiệm, chiếu chụp... để trao đổi với bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị.

Hiệu quả trong khám, chữa trị đối với bệnh nhân

Anh Lê Hải Hà, bị đau lưng đã nhiều tháng nay và thường xuyên phải lui tới bệnh viện để điều trị. Nhưng nhờ được tích hợp thẻ bảo hiểm y tế ngay trên ứng dụng nên khi đến khám tại Viện Quân Y 354, anh chỉ cần mang theo điện thoại thông minh và căn cước công dân. Khi đến phòng khám số, anh được lựa chọn dịch vụ và dễ dàng đặt lịch khám. Ứng dụng trên điện thoại còn xếp và nhắc lịch khám cho anh trước 2 giờ; tích hợp thẻ bảo hiểm y tế vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, giải đáp một số câu hỏi thường gặp qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo và giúp anh dễ dàng tương tác với đội ngũ bác sĩ.

Ông Nguyễn Trường Nam – Phó cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) cho biết: “Vấn đề cốt lõi là công nghệ thì với sự phát triển công nghệ hạ tầng viễn thông, đặc biệt đã có kết nối 4G, 5G, 6G nên cũng tạo điều kiện cho triển khai khám trực tuyến, tư vấn trực tuyến một cách dễ dàng. Trước đây kết nối mạng thấp thì triển khai việc khám trực tuyến rất khó khăn, thậm chí không hiệu quả. Nhưng với công nghệ số tần số viễn thông phát triển mạnh thì nó đảm bảo cho việc thúc đẩy triển khai khám bệnh trực tuyến, tư vấn khám âm thanh rõ ràng, hình ảnh sắc nét và có thể chuyển tải dữ liệu y khoa thông qua ứng dụng trên môi trường mạng. Đó là những thuận lợi giúp thúc đẩy và sớm hình thành chuyển đổi số trong kỷ nguyên số và chữ số”.

Cảm biến nhịp tim được tích hợp trong đồng hồ thông minh hiện nay.
Cảm biến nhịp tim được tích hợp trong đồng hồ thông minh hiện nay.

Một số xu hướng về công nghệ y tế trên thế giới hiện nay

Chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của các nước phát triển. Một số xu hướng công nghệ y tế đang được triển khai trên thế giới có thể kể đến như phương pháp khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine); Theo dõi từ xa (Remote Patient Monitoring - RPM); Công nghệ thực tế ảo tăng cường (VR&AR); Y học chính xác (Precision medicine supported by AI); Áp dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa (AI, Robotic); Khám từ xa (Telemedicine); Hồ sơ y tế cá nhân (Personal Health Record).

Y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này, không vì số lượng, mục tiêu chính để phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích hơn, chất lượng hơn.