Cơ hội mới

Kinh tế suy giảm khiến người dân phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và phải xem xét lại các vấn đề về tiêu dùng. Trên cơ sở đó, các hình thức kinh tế mới dần xuất hiện trên thị trường và phát triển mạnh mẽ như kinh tế chia sẻ, kinh tế tiếp cận, kinh tế theo yêu cầu, kinh tế hợp tác, kinh tế việc làm tự do...

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến sự dịch chuyển lao động từ thành thị về nông thôn càng thúc đẩy nhiều đối tượng tham gia mạnh mẽ vào hệ thống cung ứng dịch vụ từ xa trên web và các ứng dụng trực tuyến như Grab, Gojek, Baemin… Đây vừa là xu hướng, vừa là giải pháp lựa chọn của các đối tượng nhằm khắc phục ảnh hưởng của vấn đề kinh tế do đại dịch COVID-19 mang lại.

Trên thực tế, kinh tế chia sẻ đã khẳng định tính ưu việt về tiết kiệm tài nguyên, nguồn lực; đồng thời giảm thiểu chi phí giao dịch trong hoạt động kinh tế. Việc sử dụng các nền tảng ứng dụng cũng góp phần tăng tính hiệu quả của nền kinh tế.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM cho rằng, bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số. Mô hình kinh doanh này giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Đối tượng tham gia kinh tế chia sẻ bao gồm người sử dụng cá nhân, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp phi lợi nhuận, doanh nghiệp vì lợi nhuận, cộng đồng địa phương... Ông Lưu Đức Khải nhận định: “Kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh ở nhiều nước nhưng có tiềm năng phát triển lớn”.

Giám đốc đối ngoại Công ty Grab Việt Nam Đặng Thùy Trang cũng có cái nhìn tương tự. Theo bà Trang, các nền tảng số đã giúp các doanh nghiệp, thương nhân dễ dàng phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến và giao nhận. Bà Trang dẫn “Báo cáo kinh tế nền tảng - Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á” của Viện nghiên cứu Công nghệ vì cộng đồng - Công ty Nghiên cứu Bain & Company cho biết, nền tảng số giúp 89% doanh nghiệp mở rộng nền tảng cơ sở khách hàng, 84% doanh nghiệp có doanh số bán hàng trên mỗi khách hàng cao hơn. Hơn thế, 71% doanh nghiệp cho biết đã đạt lợi nhuận cao hơn và có đến 65% doanh nghiệp cho hay có khả năng phục hồi cao hơn sau đại dịch COVID-19 nhờ có kinh tế chia sẻ. Bà Trang khẳng định: “Kinh tế chia sẻ không chỉ tạo thêm cơ hội gia tăng thu nhập, mà còn mở ra thị trường lao động mới, linh hoạt. Từ đó tạo động lực tăng trưởng, tăng năng suất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME)”.

Còn nhiều thách thức

Kinh tế chia sẻ dù tiềm năng rất lớn, tuy nhiên đang gặp những thách thức mới, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp. Theo bà Dương Thu Hương - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, trong thực tiễn, việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh đối với một số loại hình kinh doanh mới trong kinh tế chia sẻ gặp phải một số vướng mắc. Việc “ghi nhận” quyền tự do kinh doanh và “bảo đảm thực thi” quyền này trên thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách; tư duy quản không được hoặc chưa hiểu rõ thì “cấm” gây cản trở việc thực thi quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ. Mặt khác, tính cạnh tranh của thể chế pháp luật về quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ chưa cao, phản ứng chính sách còn chưa nhanh nhạy, chưa bắt kịp với những biến động của kinh tế thị trường, nhất là trong việc ứng dụng các mô hình kinh doanh mới. Việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ vẫn còn hạn chế, chưa tạo được khung pháp lý tin cậy cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Cũng theo bà Hương, cạnh tranh không bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh truyền thống với các loại hình kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ chủ yếu bởi chi phí tuân thủ của các chủ thể kinh doanh theo hai mô hình này không giống nhau. Nguyên nhân chủ yếu là môi trường pháp lý về gia nhập thị trường và quản lý hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ chưa rõ ràng, chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ. Từ đó tạo áp lực lớn đối với các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng, bổ sung hoàn thiện pháp luật về gia nhập thị trường, về tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, công bằng trên thị trường, về rút lui khỏi thị trường… đối với các loại hình kinh tế chia sẻ trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Lưu Đức Khải lại cho rằng kinh tế chia sẻ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, cụ thể phát sinh mỗi quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong các hợp đồng kinh tế. Kinh tế chia sẻ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc đảm bảo lợi ích cho cả người mua và người bán. Trên thị trường, xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và truyền thống đã xảy ra đồng thời các vấn đề thu thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh cũng xuất hiện. Ông Lưu Đức Khải cũng bày tỏ đồng tình với bà Dương Thu Hương, cho rằng cơ sở pháp lý trong quản lý Nhà nước về các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ còn rất thiếu. Yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ là phải bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, quyền riêng tư của công dân, tổ chức và chủ quyền trên không gian mạng. “Việt Nam cũng cần thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ và về thương mại điện tử nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số” - ông Khải chia sẻ.

Một thách thức nữa đặt ra là vấn đề lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ. Theo bà Bùi Thái Quyên - Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), tại Việt Nam, vấn đề người lao động khi trở thành đối tác của các nền tảng công nghệ chính là vấn đề lao động phát sinh mới và đang gây tranh cãi. Nghị định 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã được ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020, quy định taxi công nghệ là một ngành kinh doanh có điều kiện.

Bà Quyên cho rằng, người lao động tham gia lĩnh vực vận tải công nghệ có nhiều thuận lợi như công việc linh hoạt và tự chủ thời gian, công việc phù hợp với khả năng và sở thích cá nhân... Tuy nhiên, bà Quyên cũng cho rằng, người lao động trong lĩnh vực này không được đàm phán về các điều khoản hợp đồng (độc quyền nền tảng) như hợp đồng đối tác cung cấp dịch vụ với hãng xe, hợp đồng cung cấp dịch vụ với hợp tác xã. Họ không có ngày nghỉ cố định trong tháng, ngày cuối tuần, lễ, Tết; họ nghỉ ốm sẽ không có lương, nếu nghỉ bảo trì xe là mất thu nhập.

Bên cạnh đó, theo Phó Trưởng phòng điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương Hoàng Thị Thu Trang, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đang chịu nhiều rào cản cạnh tranh: rào cản về vốn; rào cản pháp lý; rào cản từ hiệu ứng mạng lưới của các nền tảng số lớn; rào cản từ sự độc quyền sở hữu; rào cản từ chiến lược hình thành hệ sinh thái số. Để thúc đẩy cạnh tranh trong kinh tế chia sẻ, cần xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết thực thi pháp luật cạnh tranh.

Bà Trang cũng đề xuất việc xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho các nền tảng lớn; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, thực hiện chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp; điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh...