ISSN-2815-5823

Thúc đẩy nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân

(KDPT) - Vốn đầu tư tư nhân bắt đầu nhích lên. Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê đưa ra khi công bố số liệu cập nhập tình hình kinh tế quý I/2024.

Nhưng mức tăng lên của dòng vốn đầu tư khu vực tư nhân vẫn thấp nhất nếu so với hai khu vực còn lại là khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân. Bởi với tỷ trọng hơn 50% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (quý I/2024 là 55,5%), một điểm phần trăm tăng thêm của vốn đầu tư tư nhân sẽ mang lại bước tiến đáng kể trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đây là câu hỏi được bàn tới từ năm ngoái, khi đầu tư của khu vực tư nhân giảm sâu chưa từng có, thấp hơn cả giai đoạn đỉnh điểm diễn ra đại dịch Covid-19.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tương tự thời Covid-19 đã được thực hiện, được kéo dài, như giãn, giảm tiền thuê đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng... 

Song, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù có tích cực hơn nếu so với giai đoạn quý I/2023 và với quý IV/2022, nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024 vẫn khó khăn hơn quý IV/2023. Nguyên do chính vẫn là cầu thị trường (kể cả đơn hàng xuất khẩu và nhu cầu thị trường trong nước) sụt giảm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, thị trường đang có những thay đổi tích cực hơn khi có tới 45,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Tổng cục Thống kê nhìn nhận rằng, tình hình quý II/2024 sẽ cải thiện hơn, 36% tin nền kinh tế sẽ ổn định như hiện tại. Đáng nói là, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân nhìn nhận tích cực đang ở mức cao nhất so với khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Thế nhưng, vẫn có khoảng 18% doanh nghiệp lo ngại hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong quý II/2024. Cùng với đó, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm, giá nguyên vật liệu tăng cao và đặc biệt, thiếu vốn tiếp tục là vấn đề đặt ra với hầu hết doanh nghiệp.

Như vậy, để trợ sức cho doanh nghiệp, để nhanh chóng tận dụng tối đa cơ hội hồi phục sớm, các giải pháp hỗ trợ vẫn cần được xác định là trọng tâm ưu tiên. Chỉ có điều, trong số những đề xuất mà doanh nghiệp đưa ra, hầu như không có thêm giải pháp mới.

Cụ thể, doanh nghiệp vẫn chờ đợi các nhóm giải pháp tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu, khách hàng mới; chờ đợi các giải pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả nhằm hỗ trợ tiêu thụ và sản xuất hàng hóa. Doanh nghiệp cũng chờ có thêm chính sách nhằm ổn định giá cả và nguồn cung đầu vào.

Với các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, thì yêu cầu hàng đầu vẫn là tiếp tục các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố, nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian...

Nhóm doanh nghiệp này còn tiếp tục nhắc tới đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất - kinh doanh, như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt những chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để giúp rút ngắn vòng quay vốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đề nghị kéo dài nhóm giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp thời Covid-19...

Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp nhận rõ tác động tích cực của các giải pháp chính sách hiện có. Song, cũng phải nhắc tới số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong quý I/2024 là 73.490 doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn hẳn con số 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong cùng thời gian trên.

Dòng vốn đầu tư tư nhân vẫn cần thêm nhiều trợ lực./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024