ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ hai, 16h42 18/09/2023

Thực hiện đẩy mạnh số hóa lĩnh vực giáo dục

(KDPT) - Chuyển đổi số hiện là xu thế tất yếu trên toàn cầu, trong đó ngành giáo dục cũng không nằm ngoài xu hướng số hóa đó. Các công nghệ ứng dụng trong việc dạy và học đã dần trở nên phổ biến trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, quản lý, vận hành tại các trường học.

Công nghệ hỗ trợ đắc lực cho lĩnh vực giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết trong năm học 2023-2024 ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Trong đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học trực tuyến, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong các nhà trường là nhiệm vụ quan trọng đối với năm học mới trên cả nước.

Giáo viên có thể dạy học từ xa nhờ các ứng dụng công nghệ hỗ trợ.

Để thấy rõ tầm quan trọng của công nghệ trong giáo dục, khi dịch Covid-19 diễn ra công nghệ số đã hỗ trợ đắc lực trong việc dạy và học. Nhờ một số phần mềm học trực tuyến như Zoom, Trans, Skype,... hàng triệu học sinh, sinh viên và thầy cô giáo có thể học và giảng dạy online tại nhà. Bên cạnh đó, các phần mềm công nghệ có thể kết nối với học trò từ xa, điều phối, tổ chức, và quan sát các cuộc thảo luận, quan sát việc học của học sinh cũng như hỗ trợ công tác giảng dạy của giáo viên dễ dàng như theo dõi lịch giảng, lịch thi, chấm điểm, soạn bài giảng hay giao bài cho học sinh dưới nhiều dạng. Qua đó, giúp giáo viên và học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, chủ động tự học và nghiên cứu bài học được tốt và thuận tiện hơn.

Ngày nay, việc sử dụng các Apps hỗ trợ học tập với tư cách là “nhà giáo ảo”, sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối Internet vạn vật (IoT), máy học (Learning machine), học sâu (Deep learning), Robot dạy học ngày càng trở nên phổ biến. Với sự hỗ trợ của những “chuyên gia ảo” này, dường như người học cũng ngày càng trở nên hứng thú hơn với việc học tập và nghiên cứu, sẵn sàng thử trải nghiệm và đăng ký sử dụng các Apps hỗ trợ thông minh này.

Tại các trường học song song với việc tiếp tục phát triển nền tảng công nghệ chung phục vụ công tác quản lý và đào tạo, việc đầu tư vào các công nghệ đặc thù phục vụ đào tạo như hệ thống mô phỏng tương tác, phòng Lab ảo, nền tảng tương tác - thảo luận trực tuyến cũng là mục tiêu quan trọng cần thực hiện cho việc "phủ kín" số hóa.

Chuyên gia, tỷ phú công nghệ Bill Gates nhận định: "Với giáo dục, tôi cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cách mạng quá trình đào tạo thông qua cá nhân hóa việc học, hỗ trợ giảng viên trong quá trình giảng dạy và quản lý công việc, cũng như thúc đẩy thu hẹp bất bình đẳng về giáo dục đặc biệt ở các nước đang phát triển. AI thật sự mang lại tác động tích cực cho phát triển cho lĩnh vực giáo dục, đánh dấu việc công nghệ đã trở thành một phần của đời sống xã hội".

Cần thêm những giải pháp để đẩy mạnh việc "số hóa"

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam thì chuyển đổi số cần được xem là giải pháp mang tính chiến lược. Tuy nhiên, theo thầy Lâm thì hiện nay đang có sự không đồng đều trong việc phổ biến công nghệ số trong giáo dục giữa các địa phương, giữa các trường học và môn học. Đặc biệt, chưa có nhiều trường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý. Bên cạnh đó, một số trường còn thiếu sự đầu tư vào công nghệ, việc đào tạo và hướng dẫn giáo viên còn nhiều hạn chế; tài liệu, bài giảng còn sơ sài, thiếu sức hút...

Vì vậy, để quá trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục ngày càng sâu rộng hơn, trước tiên cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục. Cần bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường. Thầy Lâm nói.

Việc thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung trong toàn ngành cũng cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thầy Lâm nhấn mạnh thêm rằng trong chuyển đổi số, quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ giáo viên.

Để đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện nay của thầy cô cũng như học sinh, các trường cần được quan tâm đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ, kết nối mạng internet đảm bảo phục vụ tốt công tác chuyển đổi số trong các nhà trường. Bên cạnh đó, triển khai thường xuyên các buổi họp, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến để đạt hiệu quả cao trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thêm gắn kết tình cảm giữa nhà trường và học sinh, sinh viên.

Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của giáo viên là điều cần thiết cho việc chuyển đổi số giáo dục.

Để khuyến khích công cuộc chuyển đổi số lan rộng hơn nữa trong môi trường giáo dục, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số và nhân lực số tạo nền móng chuyển đổi số.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024