Thuế VAT cá nhân, hộ kinh doanh cần có sự điều chỉnh phù hợp
Bộ Tài chính đề xuất nâng mức doanh thu bán hàng trên 200 triệu đồng/năm
Theo quy định từ năm 2014 đến nay, doanh thu tính thuế của hộ cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng, tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi vừa được Chính phủ trình lên Quốc hội mới đây và dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tới, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức tính thuế lên 200 triệu đồng.
Ghi nhận thông tin từ một số hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức doanh thu bán hàng trên 200 triệu đồng/năm phải nộp thuế không bõ bèn gì với biến động giá cả thời gian qua. “Các loại mặt hàng hoá, nguyên liệu đầu vào, phí vận chuyển, mặt bằng kinh doanh, nhân công… đã tăng mạnh trong suốt 10 năm qua.
Đa phần các hộ kinh doanh cho rằng, từ khi bùng nổ mạng xã hội, sàn thương mại điện tử thì việc kinh doanh cửa hàng không còn được như giai đoạn trước. "Bất kỳ món đồ nào hiện nay cũng có thể đặt mua trên mạng, cái gì mình có thì trên mạng cũng có, họ còn miễn phí giao hàng tận nơi, nên các tạp hóa truyền thống như chúng tôi bây giờ rất khó khăn", chị Luân (ở Sóc Sơn) chia sẻ.
"Hiện giờ, giá cả leo thang, bán bún trước đây có giá 20.000 đồng thì nay 35.000 đến 40.000 ngàn đồng. Vì vậy, ngành thuế quy định doanh thu chỉ 550.000 đồng/ngày là phải nộp thuế là chưa thực sự phù hợp". chị Luân nói.
Theo chị, cần cân nhắc tăng mức doanh thu tối thiểu hằng năm, con số bao nhiêu tôi chưa có hình dung được nhưng theo tôi phải trên 200 triệu đồng. Việc điều chỉnh này sẽ rất quan trọng, bởi vì thuế ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày của các hộ kinh doanh cá thể, và luật chúng ta nên hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Theo đó, nên nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên 300-350 triệu đồng/năm sẽ phù hợp hơn. Với mức tăng lên 200 triệu đồng/năm như đề xuất, dù tăng gấp đôi so với hiện hành nhưng tính ra mỗi tháng là khoảng hơn 16 triệu đồng. Trừ đi chi phí đầu vào, hàng hóa, lợi nhuận còn lại chẳng bao nhiêu, không đủ chi trả cho sinh hoạt, cuộc sống cho một gia đình 3-4 người.
Chị Như (chủ cửa hàng hoa tươi trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cũng cho rằng, mức doanh thu bán hàng trên 200 triệu đồng/năm phải nộp thuế là quá vô lý. Bởi chi phí kinh doanh giá cả hàng hóa, mặt bằng kinh doanh, nhân công, điện, nước, phí vận chuyển... tăng 3-5 lần so với 10 năm trước.
"Với ngưỡng doanh thu tính thuế VAT trên 200 triệu đồng/năm, tức chỉ khoảng 550.000 đồng/ngày, đã thuộc diện nộp thuế VAT rồi. Như vậy, mỗi ngày tôi bán được một bó hoa là phải nộp thuế", chị Như nói.
Không nên quá cứng nhắc chờ CPI tăng lên 20%
Ngoài việc nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của các cá nhân và hộ kinh doanh, dự luật cũng nêu trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia thuế cao cấp, đề nghị Chính phủ cần đưa ra căn cứ thuyết phục khi chọn ngưỡng doanh thu tính thuế VAT đối với hộ, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ mỗi năm 200 triệu đồng.
Ông Tú cũng cho rằng nếu áp dụng quy định khi CPI biến động 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngưỡng này như tại dự thảo thì sẽ "giẫm vào vết xe đổ" của mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế TNCN. Quy định cứng nhắc mức CPI biến động 20% tức là người nộp thuế phải đợi đến 6-7 năm ngưỡng doanh thu mới được điều chỉnh.
"Không nên quy định cứng vào trong luật một mức cụ thể và quá cao như vậy, vì nó sẽ gây bất lợi cho người nộp thuế", ông Tú nhấn mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2020 tăng 3,23%; CPI năm 2021 tăng 1,84%; CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, 3 năm qua, CPI mới biến động tăng thêm 8,22%. Nếu đợi CPI biến động trên 20% mới điều chỉnh ngưỡng doanh thu chịu thuế sẽ là bất lợi cho hộ kinh doanh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngưỡng doanh thu tính thuế của hộ và cá nhân kinh doanh không nên chỉ căn cứ vào biến động của CPI mà còn theo GDP, lương cơ sở, lương tối thiểu... nữa thì mới đảm bảo chính sách thuế không lỗi thời, lạc hậu so với thực tế phát triển kinh tế - xã hội./.
- Tăng thuế tiêu thụ đối với đồ uống có cồn: Tăng thuế "sốc" hay điều chỉnh dần?
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nước ngoài nộp thuế hơn 8.600 tỷ đồng