ISSN-2815-5823
VIỆT ANH - THÚY KHANG
Thứ ba, 14h21 21/11/2023

Thương mại điện tử là điểm sáng trong bức tranh kinh tế số

(KDPT) - Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Google, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025.

Thương mại điện tử là điểm sáng trong bức tranh kinh tế số

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn giảm mạnh do chính sách thắt chặt tiền tệ, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục đè nặng lên các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế, xã hội. Thương mại toàn cầu bắt đầu suy giảm từ quý IV/2022, kéo theo thương mại toàn cầu cả năm 2022 chỉ tăng 2,7%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

"Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn chính trị, tình trạng lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt và thị trường tài chính bấp bênh, Tổ chức Thương mại thế giới dự báo thương mại toàn cầu năm 2023 tăng 1,7%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với năm trước. Nhiều ngành, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trên GDP ghi nhận mức tăng trưởng âm trong một vài năm gần đây đã kéo mức tăng trưởng của nhiều ngành, dịch vụ xuống mức thấp. Tương tự, nền kinh tế Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: sự suy giảm đơn hàng, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạn kiệt nguồn vốn" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 01/11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines). Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 02 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỉ đôla trong năm nay.

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi.

Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển sẽ tạo bước đà cho kinh tế phát triển, giúp doanh nghiệp lấy đà phục hồi. "Đây cũng chính là thời điểm xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi", ông Tân nhấn mạnh.

Để kinh tế số phát triển xanh và bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần tìm xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm năng lượng, sản xuất thông minh, logistics; xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững; thu hẹp khoảng cách số…

Vai trò quan trọng của doanh nghiệp số hiện nay

Trong một thế giới ngày càng liên kết và công nghệ phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp số đóng vai trò quan trọng như một cầu nối giữa công nghệ và doanh nghiệp truyền thống.

Tại diễn đàn "Thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương 2023", ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade chia sẻ về doanh nghiệp số hiện nay có tác động lớn đến nền kinh tế số quốc gia. Theo đó, bằng cách ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp số có thể tăng hiệu quả làm việc và cắt giảm bớt những quy trình không cần thiết. Doanh nghiệp số giúp tạo ra sự linh hoạt, tương tác cao và tận dụng tối đa các tiềm năng của công nghệ số để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Doanh nghiệp số đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi vượt bậc về mọi mặt trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Bằng cách áp dụng công nghệ số, các doanh nghiệp này có thể giải quyết vấn đề một cách có hệ thống và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Quản lý bằng công nghệ số tối ưu và thuận tiện hơn rất nhiều so với quy trình quản lý truyền thống. Nếu một doanh nghiệp quản lý và vận hành hệ thống mà không có các nền tảng số hỗ trợ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và bất cập.

Sự xuất hiện của doanh nghiệp số góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Bởi sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp số sẽ buộc mọi doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến, cập nhật và đổi mới. Điều này sẽ giúp nền kinh tế chung phát triển và đào thải những tổ chức yếu kém.

Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử trong thời gian tới

Thương mại điện tử (TMĐT) là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn.

Hiện nay, mua sắm trên các trang thương mại điện tử đã trở nên phổ biến. Ảnh minh họa

Để chấn chỉnh hoạt động TMĐT, không chỉ cần đến sự điều chỉnh hợp lý về mặt pháp luật, sự tăng cường hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng mà thậm chí còn cần những đề án riêng, những phương án quản lý đặc thù, đưa TMĐT trong nước đi vào quỹ đạo. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho TMĐT. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT; hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TMĐT.

Bên cạnh đó, muốn thúc đẩy TMĐT phát triển an toàn, lành mạnh và minh bạch, phải liên tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến; bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển.

Phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với Chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn.

Xây dựng hạ tầng chứng thực hợp đồng điện tử và các chứng từ điện tử phục vụ giao dịch thương mại khác trên nền tảng xác thực thông tin ứng dụng công nghệ số, bao gồm: chữ ký số công cộng, chữ ký số cá nhân trên di động, lưu trữ block-chain… Xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng các giải pháp về chứng từ điện tử trong thương mại, bao gồm: hóa đơn điện tử, tem điện tử, chứng từ xuất kho điện tử và các chứng từ thương mại khác. Xây dựng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong các hoạt động TMĐT.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có thêm những cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng TMĐT một cách an toàn, hiệu quả và bền vững trong tương lai.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024